Giá cà phê trong nước dự báo sẽ tăng

20:51' - 20/06/2017
BNEWS Giá cà phê kỳ hạn robusta London đã vượt qua hầu hết các mức chắn trên quan trọng.

Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 12/6 - 16/6: Giá cà phê robusta đi một cách biệt lệ?

Đấy là một tuần thị trường cà phê robusta theo hướng tích cực. Giá kỳ hạn robusta vượt khỏi mức tâm lý quan trọng 2002 Usd/tấn ngày 09/06 đã thực sự làm đà cho đợt phục hồi tuần qua.

Nhờ đợt giá kỳ hạn London tuần trước dâng cao, giá cà phê nội địa cơ sở loại 2 tối đa 5% đen vỡ giao tại các kho quanh khu vực cảng ở thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã đạt 46 triệu đồng/tấn cuối tuần qua.

Sàn kỳ hạn robusta London, nơi giới kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng làm cơ sở tham chiếu, từ khu vực thấp vùng lên bất chấp giá kỳ hạn arabica yếu, bất chấp ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ của Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (Fed).

Fed quyết định tăng lãi suất đồng đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm thành 1-1,25%. Hiểu theo điều kiện bình thường, người giữ hàng thực trong kho lẫn hàng giấy trên sàn phải thanh lý nhằm tránh trả chi phí ngân hàng như lãi suất cao, như các nhà kinh doanh và đầu tư cần huy động vốn nhiều hơn nên hạn chế phần nào lượng mua vào, cho nên đáng ra giá robusta theo hướng giảm. Nhưng thực tế xảy ra hoàn toàn khác với lý thuyết.

Trong khi giá kỳ hạn robusta tăng 104 Usd/tấn sau một tuần, giá arabica lại giảm 2.90 cts/lb hay 64 Usd/tấn. Nhờ vậy, giá cà phê trên thị trường nội địa có một tuần theo hướng tăng từ 44 triệu lên 46 triệu đồng/tấn (Xin xem hình 2).Như vậy, giá kỳ hạn London đã không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tăng lãi suất đồng đô la Mỹ và bản thân nó cũng không quan tâm đến một sàn New York yếu mà có đường đi riêng của mình.

Dự báo giá cà phê tuần từ 19/6 - 24/6: Tâm lý và kỹ thuật sàn London rộng mở đường tăng.

Xét về kỹ thuật, giá kỳ hạn robusta London đã vượt qua hầu hết các mức chắn trên quan trọng như 2042 rồi 2082 để lên đỉnh trong phiên ngày 16/06 là 2149. Như vậy, về mặt tâm lý lẫn kỹ thuật, đà tăng của giá robusta chưa thể mất. Mục tiêu tiếp theo là 2200 nếu như London tuần này vượt được các mức chắn 2150 và 2170 cơ sở giao dịch tháng 09/17.

Để đầu xuôi đuôi lọt, từ nay, London cần sự hỗ trợ tích cực của sàn arabica New York. Điều đáng ngại là New York đang quá yếu về mặt kỹ thuật. Ngày giao dịch cuối tuần qua, có khi giá arabica chỉ còn 125.35 cts/lb, là dấu hiệu rất xấu.

Nếu như để tìm một yếu tố tích cực nào đó trên sàn New York, thì chỉ có bản quyết toán kinh doanh của các quỹ đầu tư tài chính trên sàn này đang ở vị thế dư bán khá lớn. Tính đến 13/06, quỹ tài chính giữ chừng 31.000 lô dư bán tương đương với 525.000 tấn bán khống. Tuy nhiên, theo ước lượng của người kinh nghiệm, con số thực tế tính đến hết ngày 16/06 có thể lên đến 36.000 lô, một con số đủ lớn để làm chùng tay đầu cơ trên New York bán thêm.

Mặt khác lực đẩy trên sàn kỳ hạn London tuần qua còn có công rất lớn của cấu trúc giá nghịch đảo của bản thân sàn này, tức giá tháng 09/17 cao hơn các tháng sau, ít nhất so với tháng 05/18, giá tháng 09/17 cao hơn tháng 05/18 đến 94 Usd/tấn (2125-2031).

Cấu trúc này nói lên rằng do các nhà đầu tư trên sàn hiện nay đang giữ vị thế mua (long position) lớn kể cả hàng thực lẫn hàng giấy, họ đang “siết” giá để bắt người thiếu hàng giao phải mua giá cao và nhất là “bắt bí” những người ở vị thế dư bán mua thoát với giá cao, phải chịu thua lỗ.

Tuần này, hiện tượng siết giá có thể vẫn tồn tại và vẫn có lợi cho người giữ vị thế mua (long) trên sàn London.

Thị trường cà phê trong nước: Quyết định trữ hay bán hàng thực vẫn là điều khó xử.

Giá cà phê nội địa đã tăng lên 46 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, nhiều nhà xuất khẩu vẫn cho rằng vẫn rất khó ký hợp đồng xuất khẩu mới. Có hai lý do để tin đó là đúng. Một là chất lượng cà phê niên vụ này rất thất thường, tỷ lệ đen vỡ chừng 10% đang còn trôi nổi trên thị trường nội địa do mưa dần ngay thời điểm thu hoạch rộ. Khi người mua trả giá cao, thường đi kèm với yêu cầu chất lượng phải được đảm bảo.

Hai là các nước xuất khẩu arabica ở Trung Mỹ đang bán mạnh và chấp nhận giá thấp để giải phóng hàng trước khi Brazil bán mạnh. Tính từ tháng 05/16 đến 04/17, lượng xuất khẩu cà phê arabica chế biến ướt vùng Trung Mỹ tăng 9,4% so với cùng kỳ trước đấy một năm nhờ được mùa ở nhiều nước trong vùng, kể cả Colombia (xin xem hình 2).

Điều này thể hiện trên giá cách biệt của hai sàn kỳ hạn. Tính đến hết ngày 16/06, giá cách biệt giữa hai sàn arabica với robusta dưới 30 cts/lb hay chừng 660Usd/tấn, trên thị trường hàng thực còn thấp hơn, có người tin hàng thực giữa arabica chế biến khô của Brazil và robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ chừng 300 Usd/tấn. Ở mức này, các nhà rang xay muốn quay lại mua arabica vì độ chênh lệch giữa hai loại quá rẻ.

Trong quá khứ, có lúc đỉnh của mức cách biệt này trên 180 cts/lb tức quanh 4.000 Usd/tấn. Mức cách biệt để các nhà rang xay có thể yên tâm chọn mua robusta mà không lo “hớ” là 1.400 Usd/tấn.

Rõ ràng do arabica quá rẻ, thị trường robusta hoàn toàn bất lợi. Nếu giá kỳ hạn robusta tiếp tục tăng, không gì ngăn cản giá nội địa tăng. Các mức kỳ vọng cho tuần này là 47-47,5 triệu đồng/tấn. Ở mức này, hoàn toàn không có lợi cho mua trữ đầu tư vì một khi New York chuyển động tăng, cũng có thể đó là lúc các quỹ đầu tư bán lại London để mua New York.   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục