Giá cả tại khu vực Eurozone có thể tiếp tục tăng phi mã

10:02' - 25/02/2022
BNEWS Theo bà Isabel Schnabel của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Lạm phát có thể chạm các mốc cao mới trong vài tháng nữa và ngày càng khó dự báo về thời điểm giá cả ở Eurozone lên tới đỉnh điểm.

Phát biểu tại một sự kiện do Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tổ chức, bà Schnabe, một thành viên hội đồng quản trị ECB cho biết những biến động tăng giá trong thời gian gần đây, không chỉ là giá năng lượng, cho thấy khó có thể đưa ra dự báo chắc chắn về thời điểm lạm phát sẽ lập đỉnh.

Bà dự báo giá cả có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trước khi giảm dần trong cả năm 2022. Tuy nhiên, theo quan chức này, chỉ số lạm phát trong năm nay khó có thể giảm trở lại dưới mức mục tiêu 2% của ECB. Một trong các yếu tố làm gia tăng lo ngại về lạm phát là thị trường nhà đất nóng lên ở mức “đáng báo động”.

 

Lạm phát ở Eurozone đã bất ngờ tăng phi mã lên 5,1% trong tháng 1/2022, mức cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 1997 và cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của ECB. Nguyên nhân dẫn đến mức tăng này là do giá năng lượng tăng cao trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga – nhà cung cấp năng lượng chính cho các nước châu Âu.

Cũng theo bà Schnabel, hiện vẫn chưa rõ tác động đối với các nền kinh tế Eurozone sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine (U-crai-na). Bà cho biết ECB vẫn đang theo dõi tình hình. Dự kiến, Hội đồng quản trị ECB sẽ tổ chức cuộc họp thường kỳ tiếp theo vào ngày 10/3 tới.

Cùng ngày 24/2, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine. Trên tài khoản Twitter, bà Georgieva cảnh báo những biến động tại Ukraine đang gây thêm những rủi ro về mặt kinh tế đối với khu vực và thế giới, đồng thời cho biết IMF đang đánh giá những tác động.

Trước đó, trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới công bố vào tháng trước, IMF cảnh báo sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều rủi ro, trong đó có căng thẳng địa chính trị, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, thương mại quốc tế và hợp tác về chính sách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục