Giá cả thị trường trong nước ổn định

11:22' - 05/06/2024
BNEWS Ngày 5/6, Bộ Tài chính cho biết 5 tháng đầu năm, giá cả thị trường trong nước ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Riêng trong tháng 5, giá các mặt hàng tương đối ổn định do nguồn cung vẫn khá dồi dào. Riêng giá một số mặt hàng có xu hướng tăng so với tháng trước như giá thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây lan ở một số địa phương gây ảnh hưởng đến nguồn cung; giá thóc gạo tại miền Nam tăng do cuối vụ thu hoạch trong khi nhu cầu xuất khẩu cao.

Ngoài ra, nhóm nhiên liệu có giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) giảm, giá xăng dầu điều chỉnh phù hợp với biến động của thị trường thế giới..

Đối với giá mặt hàng xăng, dầu, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng, dầu thế giới để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường. Trên cơ sở đó, sau 20 kỳ điều hành giá kinh doanh xăng, dầu trong nước từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng có 9 lần giảm, 11 lần tăng; dầu diesel (DO) và dầu hỏa có 10 lần giảm, 10 lần tăng; dầu mazut 3,5 S (FO) có 7 lần giảm, 13 lần tăng.

Về LPG, hiện giá trên thị trường thế giới công bố là 582,5 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn so với tháng 4/2024. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước đã điều chỉnh giá bán lẻ LPG xuống mức 418.000 đồng/bình 12kg, giảm từ 7.500 - 10.000 đồng so với tháng 4.

 
Theo Bộ Tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế về khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp và Thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hàng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
 
Bên cạnh đó, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29/6/2023 về khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp.

Về dịch vụ giáo dục, ngày 31/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP về điều chỉnh lộ trình học phí. Theo đó, đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, học phí năm học 2023 - 2024 được giữ ổn định bằng mức học phí năm học 2021 - 2022.

Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thì lùi lộ trình học phí 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trước đó, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định trong 3 năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 và 2022 - 2023).

Theo Bộ Tài chính, quản lý điều hành giá mặt hàng nhà nước quản lý được thực hiện thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho kiểm soát lạm phát cả năm. Các quý tiếp theo, quản lý giá sẽ được thực hiện linh hoạt theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với mức độ và liều lượng phù hợp, điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá thế giới, rút ngắn chu kỳ điều hành.

Đồng thời, cơ quan quản lý ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; cùng với các chính sách vĩ mô khác giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục