Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cùng vào cuộc quản lý thuế

19:46' - 28/05/2024
BNEWS Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có công văn gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo trong quản lý thuế.

Theo đó, năm 2024 thu ngân sách tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; thiên tai dịch bệnh khó dự báo trước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường chống thất thu, thực hiện xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.

Tuy nhiên, số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương trong 4 tháng đầu năm 2024 có xu hướng tăng cao (đặc biệt các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Việc sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh là quy định bắt buộc đối với tất cả các giao dịch nhưng ở một số ngành hàng vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tính tuân thủ chưa cao trong việc thực hiện.

Bên cạnh đó nhiều người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn khi tiêu dùng, mặc dù cơ quan thuế đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền và triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn.

 

Để thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và đẩy mạnh việc đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng thuế đến thời điểm ngày 31/12/2024 trên tổng số thực thu ngân sách nhà nước năm 2024 không vượt quá 8% và tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm 2024 không vượt quá 5% tổng số thực thu ngân sách nhà nước năm 2024, huy động sức mạnh tổng hợp của cả bộ máy chính trị vào xử lý thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đề nghị các đia phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn do Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban và các thành viên tham gia là đại diện Cục Thuế, cơ quan Công an, cơ quan Quản lý thị trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Thông tin truyền thông, Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải,…; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để triển khai thực hiện.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc triển khai hóa đơn điện tử nói chung, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đảm bảo việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2024 (đạt tối thiểu 70% tổng số doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc đối tượng phải áp dụng theo Kế hoạch triển khai của cục thuế).

Ngoài ra, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong các lĩnh vực kinh doanh, đảm bảo 100% giao dịch được ghi nhận và xuất đầy đủ hóa đơn điện tử.

Đối với quản lý nợ và thu hồi nợ thuế thì cần thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh/thành phố (gọi tắt là Ban chỉ đạo) do Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng. Ban chỉ đạo rà soát danh sách người nộp thuế có nợ thuế lớn trên địa bàn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng người nộp thuế, báo cáo UBND tỉnh, thành phố và tổ chức làm việc để đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục