Giá cổ phiếu ngân hàng sau chuyển sàn chưa như kỳ vọng

11:45' - 20/11/2020
BNEWS Mặc dù thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn “hưng phấn”, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng mới chuyển sàn, niêm yết trong thời gian gần đây lại chưa tăng như kỳ vọng của giới đầu tư.
Mặc dù thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn “hưng phấn” khi Vn-Index dần tiến tới mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng mới chuyển sàn, niêm yết trong thời gian gần đây lại chưa tăng như kỳ vọng của giới đầu tư. Hầu hết thị giá các cổ phiếu đều không có biến động nhiều so với mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên, thậm chí có mã còn có sự suy giảm đáng kể.

* Chưa tăng như kỳ vọng

Sau khi tăng 4,66% lên mức 12.350 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh - HOSE (ngày 9/11), cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt liên tục trải qua các phiên điều chỉnh giảm hoặc đi ngang.

Nếu so với mức giá tham chiếu là 11.800 đồng/cổ phiếu, trong gần 2 tuần giao dịch trên HOSE, cổ phiếu LPB chỉ tăng nhẹ lên 11.950 đồng tại chốt phiên ngày 19/11.

Cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng trải qua trạng thái tương tự. VIB chính thức chuyển sàn sang HOSE chỉ sau LPB một ngày.

Trong 8 ngày giao dịch trên HOSE, cổ phiếu VIB đã có sự sụt giảm đáng kể, từ mức 32.300 đồng/cổ phiếu giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên xuống còn 28.300 đồng/cổ phiếu tại chốt phiên ngày 19/11, giảm tới 12,38%.

Ngay cả phiên “hưng phấn” của thị trường trong ngày 19/11, khi Vn-Index bật tăng tới 10 điểm thì VIB vẫn giảm tới 4,65 điểm, giảm 14,11% so với phiên trước đó.

Diễn biến giá của LPB và VIB trong thời gian gần đây hoàn toàn trái ngược với sự sôi động trước khi chuyển sang sàn HOSE. Bởi, trước thời điểm này, cả 2 cổ phiếu này đều có sự tăng trưởng vượt thị trường so với thị giá đầu năm nay.

Cụ thể, trước thềm chuyển từ UpCom sang sàn HOSE, thị giá cổ phiếu LPB đã tăng gần 36% so với thời điểm cuối tháng 8, tăng trên 80% so với đầu năm, lên mức 12.500 đồng/cổ phiếu tại ngày giao dịch cuối cùng trên thị trường UpCom.

Giá cổ phiếu VIB cũng có diễn biến giá tương tự, khi thị giá cổ phiếu tăng trên 90% so với mức giá giao dịch trên sàn UpCom vào đầu năm 2020.

Nếu theo dõi lịch sử giao dịch của những cổ phiếu mới lần đầu niêm yết hoặc chuyển sang sàn HOSE, rõ ràng diễn biến giá của LPB và VIB có vẻ hơi khiêm tốn so với kỳ vọng cũng như tiềm năng của ngành này, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có sự hồi phục đáng kể trở về thời điểm trước khi thị trường bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Không chỉ LPB, VIB, giá cổ phiếu của một số ngân hàng niêm yết trên sàn UpCom trong năm 2020 cũng diễn biến không mấy thuận lợi.

Chẳng hạn như cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á. NAB chính thức lên UpCom ngày 9/10, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/cổ phiếu. Nhìn vào lịch sử giá cổ phiếu NAB có thể thấy phần lớn trong trạng thái màu đỏ (giảm điểm) hoặc màu vàng (giá cổ phiếu đi ngang, không có sự biến động).

Đáng chú ý, kể từ ngày 5/11 đến nay, giá cổ phiếu NAB liên tục bị điều chỉnh giảm hoặc đi ngang. Hiện cổ phiếu NAB đang giao dịch ở mức 14.000 đồng/cổ phiểu, chỉ tăng nhẹ so với mức giá tham chiếu phiên đầu tiên.

Cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt cũng không có nhiều sự biến động sau khi niêm yết. BVB chính thức niêm yết trên sàn UpCom kể từ ngày 9/7/2020 với trên 317 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu ở mức 10.700 đồng/cổ phiếu. Trong 3 phiên đầu tiên, giá cổ phiếu BVB đã liên tiếp tăng mạnh; trong đó, có tới 2 phiên tăng trần, thị giá cổ phiếu có thời điểm lên tới 18.200 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu BVB liên tục trong trạng thái điều chỉnh hoặc có nhiều phiên đi ngang. Khối lượng giao dịch phần lớn dưới 1 triệu đơn vị. Trong một tháng gần đây, thị giá cổ phiếu BVB giảm tới 8,89% so với tháng trước đó. Đóng cửa ngày 19/11, giá cổ phiếu BVB giao dịch ở mức 12.300 đồng/cổ phiếu.

* Vẫn hấp dẫn trong trung và dài hạn

Năm 2020 được xem là hạn chót để các ngân hàng niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức theo Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025". Làn sóng đổ bộ sang HOSE hoặc niêm yết mới của nhiều ngân hàng được kỳ vọng tạo làn sóng mới cho cổ phiếu ngành này trong những tháng cuối năm.

Tuy vậy, diễn biến giá cổ phiếu không như kỳ vọng của các ngân hàng sau khi chuyển sàn và niêm yết trong năm nay cũng không có gì ngạc nhiên. Bởi lẽ, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn đối với ngành ngân hàng khi chất lượng tín dụng của khách hàng ngày càng suy giảm, cùng với môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì.

Thêm vào đó, mốc niêm yết, chuyển sàn không phải là câu chuyện dài hạn. Yếu tố quyết định giá trị cổ phiếu vẫn luôn phụ thuộc vào chiến lược đầu tư phát triển cũng như “sức khỏe” nội tại của chính bản thân ngân hàng.

Riêng nhóm cổ phiếu chuyển sàn, diễn biến giá của 2 cổ phiếu LPB và VIB có thể được lý giải do đã có sự tăng giá đáng kể trước khi chuyển sàn nên các nhà đầu tư đang thực hiện giao dịch chốt lời. Khi giá cổ phiếu liên tục tăng cao, đã gần về giá trị hợp lý thì trong thời gian ngắn sẽ khó hút nhà đầu tư.

Về xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn nằm trong nhóm được giới đầu tư trong và ngoài nước săn đón nhiều nhất, do tính ổn định và khả năng sinh lời.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, khi nền kinh tế khởi động trở lại sau khủng hoảng COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp đều có nhu cầu về tín dụng  để phục hồi sản xuất kinh doanh. Khi đó, ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi bởi nhu cầu phát triển bùng nổ trở lại từ các doanh nghiệp.

Hiện tăng trưởng tín dụng của ngành còn khá khiêm tốn, chỉ mới dừng lại một con số, trong khi các năm đều tăng trên 10%. Do vậy, dư địa tín dụng của ngành ngân hàng vẫn còn rất nhiều trong những tháng tới. Khả năng bùng nổ của ngành trong tương lai là rất lớn. Cổ phiếu ngành ngân hàng theo đó sẽ có nhiều khả quan hơn.

Trong báo cáo cập nhật mới đây về ngành ngân hàng của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá triển vọng chung của ngành này tốt hơn so với ước tính trước đây, do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch COVID-19.

Thống kế của SSI tại 13 ngân hàng cho thấy, lũy kế 9 tháng 2020, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng 11% so với cùng kỳ. Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức tăng 26,9% của cùng kỳ năm 2019, hoạt động của ngành vẫn vượt trội so với các ngành khác.

Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi trong quý 3/2020 của nhóm ngân hàng này đạt tới 19.200 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước), chiếm tỷ trọng 23,3% trong tổng thu nhập hoạt động.

Dù vẫn còn tiềm ẩn rủi ro nợ xấu, song trong bối cảnh nền kinh tế có xu hướng phục hồi khá tốt, các chuyên gia của SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tăng 9,3% trong năm 2020 và tăng 13,7% trong năm 2021. Đồng thời, đánh giá khả quan đối với ngành ngân hàng trong năm 2021. Riêng trong quý 4/2020, các yếu tố tích cực liên quan đến cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ hỗ trợ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục