Giá dầu tại thị trường châu Á nối dài đà tăng phiên 23/9

17:43' - 23/09/2021
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á nối dài đà tăng trong phiên giao dịch chiều 23/9.

 Đà tăng này được thúc đẩy chủ yếu bởi nhu cầu nhiên liệu cao hơn trong khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến, giữa bối cảnh hoạt động sản xuất dầu mỏ tại Vịnh Mexico của Mỹ vẫn bị hạn chế sau khi liên tiếp đón hai trận bão lớn.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 17 xu Mỹ (0,2%), lên 72,40 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 18 xu Mỹ (0,2%), lên 76,37 USD/thùng.

Thị trường cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu gia tăng trở lại đối với tài sản rủi ro khi lo ngại về khả năng vỡ nợ của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã dịu bớt.

Giá của hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã tăng 2,5% vào phiên 22/9, sau khi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, các kho dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 3,5 triệu thùng, xuống 414 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 17/9, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018 và giảm mạnh hơn dự báo của các nhà phân tích.

Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA, cho biết, với việc sản lượng khai thác ở Vịnh Mexico chậm trở lại và giá khí tự nhiên vẫn ở mức cao ngất ngưởng, triển vọng cơ cấu đối với dầu vẫn đầy hứa hẹn khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ vẫn phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu, ngay cả với hạn ngạch sản xuất hiện tại.

Một số quốc gia OPEC+, bao gồm Nigeria, Angola và Kazakhstan đã phải vật lộn trong những tháng gần đây để tăng sản lượng do các hoạt động bảo trì hoặc đầu tư bị trì hoãn do đại dịch COVID-19.

Theo dữ liệu của EIA, một dấu hiệu nữa cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang gia tăng mạnh mẽ khi lệnh cấm đi lại được nới lỏng, đó là công suất sử dụng các nhà máy lọc dầu Bờ Đông nước Mỹ đã tăng lên 93%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.

ANZ Research cho biết, thị trường dầu mỏ cũng đang được hỗ trợ bởi giá khí đốt tăng mạnh. Các nhà phân tích của ANZ cho biết, việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt có thể khuyến khích các công ty điện lực chuyển từ khí đốt sang dầu mỏ nếu mùa Đông năm nay trở nên lạnh hơn. Giá khí đốt tự nhiên đã tăng mạnh trên toàn cầu trong những tháng gần đây, do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu gia tăng, đặc biệt là từ châu Á khi các nước bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, tồn kho khí đốt thấp và nguồn cung khí đốt từ Nga thắt chặt hơn bình thường.

Đà tăng giá dầu diễn ra trong phiên này, bất chấp đồng USD áp sát mức cao nhất trong một tháng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào năm tới, nhanh hơn dự kiến ban đầu. Giá dầu thường giảm khi đồng USD đi lên bởi đồng bạc xanh mạnh hơn khiến giá dầu đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục