Giá dầu châu Á tăng hơn 1 USD trong chiều 22/9

15:38' - 22/09/2021
BNEWS Sự chú ý của thị trường chuyển tới những lo ngại về nguồn cung thắt chặt sau sức ép từ những lo ngại trên thị trường chung về khả năng vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande.
Giá dầu châu Á tăng hơn 1 USD trong phiên chiều 22/9, nới rộng đà tăng trong đêm trước đó sau số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước sau hai cơn bão, nêu bật tình hình nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu được cải thiện.

Vào lúc 13 giờ 43 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,08 USD (1,5%) lên 71,57 USD/thùng sau khi tăng 35 xu Mỹ trong phiên trước đó. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,03 USD (1,4%) lên 75,39 USD/thùng sau khi tăng 44 xu Mỹ trong phiên 21/9.

Sự chú ý của thị trường chuyển tới những lo ngại về nguồn cung thắt chặt sau sức ép từ những lo ngại trên thị trường chung về khả năng vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande hôm 20/9.

Ravindra Rao, Phó Chủ tịch phụ trách hàng hóa của công ty Kotak Securities, cho biết báo cáo hàng tuần của Viện Xăng dầu Mỹ (API) đang hỗ trợ cho giá dầu thô. Báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô tại các kho của Mỹ đã giảm mạnh. Báo cáo chính thức về dự trữ dầu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố cuối ngày 22/9 và trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết sách về lãi suất khi kết thúc cuộc họp cùng ngày. Trong thời gian tới, giá dầu có thể tăng nhiều hơn khi sự chú ý của thị trường hướng đến chính sách của Fed và Trung Quốc.

Các nguồn tin thị trường dẫn số liệu ngày 21/9 của API cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/9. Con số này lớn hơn nhiều so với dự báo giảm 2,4 triệu thùng mà các nhà phân tích của Reuters đưa ra

Giá khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ phá kỷ lục trong mùa Đông này do mùa Hè nóng ở Bắc bán cầu khiến lượng dự trữ tại các thị trường chủ chốt ở mức thấp.

Nguồn cung dự kiến sẽ tiếp tục thu hẹp sau khi Royal Dutch Shell, nhà sản xuất lớn nhất của Mỹ ở vùng Vịnh Mexico, cho biết thiệt hại đối với các cơ sở vận chuyển ngoài khơi của công ty sẽ làm sản lượng giảm vào đầu năm tới.

Một yếu tố khác hỗ trợ thị trường đó là một số nhà sản xuất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đang vật lộn để tăng sản lượng lên đến mức mục tiêu. Phần lớn sự thiếu hụt nguồn cung đến từ Nigeria, Angola và Kazakhstan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục