Giá dầu bất ngờ đi xuống dù xung đột ở Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

15:54' - 19/10/2023
BNEWS Giá dầu thế giới đi xuống trong ngày 19/10, sau khi tăng mạnh vào phiên hôm trước. Trong khi đó, giá vàng tiếp tục giữ ở mức cao và giá chứng khoán châu Á đồng loạt chìm trong "sắc đỏ"

 

Giá dầu quay đầu đi xuống

 

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch 19/10, sau khi tiếp tục tăng mạnh vào phiên trước đó. Động thái giảm giá được cho là xuất phát từ việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không có bất kỳ dấu hiệu nào về việc sẽ ủng hộ lời kêu gọi cấm vận dầu mỏ của Iran và Mỹ đã hé lộ về kế hoạch nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Venezuela để giữ cho nguồn cung dầu thế giới được đảm bảo ổn định.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 12/2023 giảm 0,5%, tương đương 43 xu Mỹ xuống 91,07 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 11/2023, giảm 0,2%, tương đương 17 xu Mỹ còn 88,15 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao tháng 12/2023 giảm 0,3%, tương đương 22 xu Mỹ xuống 87,05 USD/thùng.

Theo một số nguồn tin trên thị trường, OPEC không có kế hoạch thực hiện bất kỳ hành động ngay lập tức nào đối với lời kêu gọi cấm vận dầu của Iran, thành viên OPEC, làm giảm bớt những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ứng dầu.

 

Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết giá dầu giảm một phần do chưa có  thể dấu hiệu về sự leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột Israel - Hamas, sau chuyến thăm Israel của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, bà Teng nói thị trường vẫn chịu áp lực tăng giá trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn.

Sáng 19/10, Mỹ đã thông báo nới lỏng trừng phạt đối với Venezuela, cho phép nước này được giao dịch dầu mỏ trong sáu tháng. Dự kiến nguồn dầu của Venezuela có thể giúp giảm giá dầu toàn cầu, với điều kiện nước này cần đầu tư để tăng sản lượng sau nhiều năm bị trừng phạt.

Giá vàng tiệm cận mức đỉnh của 2 tháng rưỡi

 

Giá vàng thế giới ngày 19/10 tiếp tục dao động gần mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi do tình hình bất ổn ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu đối với loại tài sản trú ẩn an toàn, trong khi các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ đưa ra tại Câu lạc bộ Kinh tế New York hôm nay, để có cái nhìn rõ nét hơn về hướng đi của lãi suất.

Trong phiên giao dịch đầu giờ chiều 19/10, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.948,06 USD/ounce, sau khi chạm mức đỉnh của ngày 1/8 vào hôm 17/10. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4%, xuống còn 1.960,10 USD/ounce.

Chuyên gia Ilya Spivak, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu tại công ty Tastylive, cho biết bối cảnh địa chính trị đang được thể hiện rõ nét qua việc giá vàng và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục tăng và đồng USD phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là trong vài ngày qua.

Vàng, loại tài sản thường được sử dụng như một phương tiện lưu trữ giá trị an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính, đã tăng hơn 130 USD hoặc gần 8% kể từ khi giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng vào ngày 6/10.

Theo kết quả thăm dò ý kiến chuyên gia của hãng tin Reuters (Anh), Fed nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp tháng 11/2023 và sẽ giữ lãi suất cao trong khoảng thời gian dài hơn so với dự báo trước đây.

Thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ

Hầu hết các thị trường châu Á đã chứng kiến “sắc đỏ” trong phiên giao dịch chiều 19/10, do tâm lý lo ngại rủi ro gia tăng khi xung đột ở Trung Đông vẫn căng thẳng, tình trạng bán tháo trái phiếu xuất hiện đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 16 năm.

Giữa bối cảnh bất ổn địa chính trị cao, các nhà đầu tư đã hướng về phía các loại tài sản an toàn hơn, bao gồm vàng và đồng USD, khiến nhu cầu về cổ phiếu suy giảm. Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 611,63 điểm, tương đương 1,91%, còn 31.430,62 điểm. Còn ở Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 53,32 điểm, tương đương 1,74%, xuống 3.005,39 điểm và chỉ số Hang Seng trên sàn giao dịch Hong Kong giảm 392,16 điểm, tương đương 2,21%, còn 17.340,36 điểm.

Chuyên gia Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng tại công ty AMP ở thành phố Sydney (Australia), cho biết tình hình hiện khá lộn xộn và không chắc chắn. Ông nói nếu cuộc xung đột vẫn chỉ giới hạn ở Israel, thì điều đó mặc dù vẫn rất khủng khiếp nhưng thị trường sẽ học cách chung sống như cách họ đã từng trải qua trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nhưng nếu cuộc xung đột mở rộng phạm vi sang các nước sản xuất dầu quan trọng ở Trung Đông, đặc biệt là Iran, đó sẽ là một vấn đề lớn.

Bên cạnh những lo ngại về căng thẳng địa chính trị, các nhà đầu tư cũng đang cảm thấy bất an sau khi chính phủ Mỹ siết chặt lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn (chip), lập tức “phủ bóng đen” lên các thị trường chứng khoán Trung Quốc, bất chấp một số tin tốt từ loạt dữ liệu công bố ngày 18/9 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có dấu hiệu ổn định.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/10, chỉ số VN - Index giảm 15,55 điểm (1,41%) xuống 1.087,85 điểm. Chỉ số HNX - Index giảm 3,67 điểm (1,62%) xuống 223,45 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục