Giá dầu cao cản trở sự phục hồi của ngành hàng không Indonesia

08:04' - 30/04/2022
BNEWS Giá dầu tăng cao đang tạo ra thách thức mới đối với các hãng hàng không Indonesia vốn đang tìm cách khôi phục hoạt đông sau khi các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 được nới lỏng.
Theo công ty dầu khí nhà nước Pertamina, giá nhiên liệu hàng không tại ba sân bay bận rộn nhất của Indonesia – gồm Soekarno Hatta ở ngoại ô Jakarta, Ngurah Rai ở Bali, và Juanda ở Surabaya - đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 1,04 USD/lít trong hai tuần đầu tháng Tư.
 

Hiệp hội các hãng hàng không nội địa Indonesia (INACA) cho biết giá nhiên liệu cao đang làm gián đoạn quá trình phục hồi được kỳ vọng kết thúc vào năm 2024, trong đó hoạt động đi lại bằng đường hàng không trong nước trở lại mức trước đại dịch với 78,73 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Tổng Thư ký INACA Bayu Sutanto cho biết: “Tình trạng này đã làm chậm quá trình phục hồi của ngành hàng không. Có thể nó cũng sẽ làm chậm quá trình phục hồi 1-2 năm. Chúng tôi chưa biết nữa”.

Số liệu của trang web countryeconomy.com cho thấy giá nhiên liệu hàng không tăng do tác động của giá dầu quốc tế với việc giá dầu Brent tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm trước lên mức 103 USD/thùng.

Trong khi đó, trần giá vé máy bay đối với các chuyến bay nội địa hạng phổ thông đã không thay đổi kể từ khi Quy định số 106/2019 của Bộ Giao thông Vận tải được ban hành cách đây 3 năm.

Theo ông Bayu, các hãng hàng không chắc chắn bị lỗ khi giá dầu cao hơn 80 USD/thùng. Nhiên liệu chiếm tới 30-35% tổng chi phí hàng không. Theo tính toán, giá nhiên liệu hàng không tăng 10% sẽ đẩy tổng chi phí tăng 3%, xóa sạch tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không vốn chỉ ở mức 1,5-3%.

Trước tình thế đó, các hãng hàng không đã buộc phải cắt giảm các chuyến bay trên các đường bay không có lãi. Trong một nỗ lực nhằm giảm áp lực tài chính do giá dầu tăng cao, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép các hãng hàng không tạm thời áp dụng phụ phí từ 10-20% đối với vé máy bay nội địa hạng phổ thông.

Trước đó, INACA và một số chuyên gia hàng không đã nhiều lần hối thúc chính phủ tạm thời cho phép các hãng hàng không áp dụng phụ phí nhiên liệu mà không cần đợi giá dầu duy trì ở mức cao trong 90 ngày liên tiếp theo các quy định hiện hành.

Ông Bayu cho rằng thời gian chờ đợi lâu như vậy gây nguy hiểm cho dòng tiền của các công ty, trong khi Giám đốc điều hành Garuda Indonesia Irfan Setiaputra cho biết hãng hàng không quốc gia này đang chờ Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận để điều chỉnh giá vé.

Nhà tư vấn hàng không Gerry Soejatman cho rằng, trước khi Bộ Giao thông Vận tải cho phép thu phụ phí nhiên liệu, chính phủ cũng nên sửa đổi quy định về giá trần và giá sàn vé máy bay, qua đó cho phép các hãng hàng không điều chỉnh giá dựa trên điều kiện thị trường.

Theo ông Gerry, việc điều chỉnh giá trần và giá sàn vé máy bay đồng nghĩa với việc các hãng hàng không có thể đặt giá cao hơn trong mùa cao điểm, cho phép họ tích lũy tiền mặt dự trữ cho những mùa thấp điểm. Lựa chọn này tốt hơn so với việc miễn giảm phí dịch vụ sân bay hoặc mặt đất vốn sẽ chỉ gây căng thẳng tài chính cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã làm tiêu tan hy vọng về việc thả nổi giá vé máy bay. Trong một tuyên bố, Bộ này khẳng định rằng chính phủ sẽ không thay đổi chính sách chung về cơ cấu giá vé máy bay với việc duy trì giá trần và giá sàn, ngoại trừ việc cho phép thu phụ phí nhiên liệu.

Giám đốc điều hành Trung tâm Cải cách Kinh tế (CORE) M. Faisal cho rằng chính phủ cần xem xét các biện pháp kích thích đối với ngành hàng không do đây là một trong những ngành phải đối mặt với quá trình phục hồi kéo dài, cùng với ngành khách sạn và du lịch.

Ông Faisal gợi ý rằng biện pháp kích thích này có thể được thực hiện dưới hình thức miễn thuế cho các hãng hàng không hoặc nhà cung cấp dịch vụ hàng không, chẳng hạn như hoãn tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 11% bắt đầu từ tháng Tư này.

Theo ông Faisal, điều đó có thể giúp giảm chi phí hoạt động của các hãng hàng không trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, đồng thời hạn chế mức tăng giá mà các hãng này sẽ chuyển cho người tiêu dùng.

Ông Faisal cũng lưu ý rằng việc tăng giá vé máy bay quá mức có thể gây hại nhiều hơn là có lợi cho các hãng hàng không, vì có thể đẩy người tiêu dùng chuyển sang các phương tiện giao thông đường bộ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục