Giá dầu châu Á chiều 14/2 tăng lên mức cao của 7 năm

16:40' - 14/02/2022
BNEWS Nhà phân tích Mike Tran cho biết có khả năng giá dầu sẽ chạm hoặc dao động ở mức 115 USD/thùng hoặc cao hơn trong mùa Hè này.
Giá dầu châu Á tăng lên mức cao nhất của hơn 7 năm trong phiên chiều 14/2 do những lo ngại về diễn biến đáng quan ngại trong quan hệ giữa Nga và Ukaine có thể khiến Mỹ và châu Âu đưa ra các lệnh trừng phạt, làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới khi nguồn cung thị trường vốn đã hạn hẹp.

Vào lúc 14 giờ 42 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,21 USD (1,3%) lên 95,65 USD/thùng sau khi chạm mức đỉnh 96,16 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, trong phiên này.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,28 USD (1,4%) lên 94,38 USD/thùng, gần mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 là 94,94 USD/thùng.

Những bình luận từ Mỹ về căng thẳng Nga-Ukraine đã tác động mạnh tới các thị trường tài chính toàn cầu.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh, hay còn gọi là OPEC+, phải nỗ lực tăng sản lượng dầu sau khi trước đó cam kết sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến tháng 3/2022.

Nhà phân tích Mike Tran cho biết có khả năng giá dầu sẽ chạm hoặc dao động ở mức 115 USD/thùng hoặc cao hơn trong mùa Hè này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết mức chênh lệch giữa sản lượng dầu thực tế của OPEC+ và sản lượng mục tiêu của nhóm này đã nới rộng lên 900.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022. Trong khi đó ngân hàng JP Morgan (Mỹ) cho biết mức chênh lệch sản lượng dầu thực tế và sản lượng dầu mục tiêu của riêng OPEC là 1,2 triệu thùng/ngày.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran nhằm khôi phục thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran mà các bên liên quan đã đạt được vào năm 2015./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục