Giá dầu châu Á giảm khi dự trữ và sản lượng của Mỹ tăng

17:09' - 21/09/2017
BNEWS Giá dầu tại châu Á giảm trong phiên 21/9, do dự trữ và sản lượng của Mỹ tăng cũng như việc đồng USD lên giá có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ nhiên liệu ở những nước sử dụng các đồng tiền khác.
Giá dầu châu Á giảm khi dự trữ và sản lượng của Mỹ tăng. Ảnh: Manufacturing Talk Radio

Giá dầu Brent kỳ hạn ở mức 56,12 USD/thùng vào chiều 21/9, giảm 17 xu Mỹ, hay 0,3% so với mức chốt phiên trước. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn của Mỹ ở mức 50,58 USD/thùng, giảm 11 xu Mỹ, hay 0,2%.

Dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ tăng tuần thứ ba liên tiếp, với mức tăng 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/9, lên 472,83 triệu thùng. Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ phục hồi sau cơn bão Harvey, hiện ở mức 9,51 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 8,78 triệu thùng/ngày ngay sau cơn bão đổ bộ vào nước này.

Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho rằng giá dầu WTI nhận được sự hỗ trợ từ việc dự trữ xăng giảm 2,1 triệu thùng, xuống 216,19 triệu thùng.

Các thị trường có thể thắt chặt nếu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kéo dài nhằm hạn chế nguồn cung và đẩy giá dầu lên.

OPEC sẽ họp tại Vienna vào ngày 22/9 và thảo luận về việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng với một số nước ngoài OPEC đã được thực thi kể từ tháng Một và sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2018.

Theo thỏa thuận, các nước này cam kết cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, do các thành viên OPEC là Libya và Nigeria được miễn tham gia thỏa thuận khiến các thị trường vẫn dồi dào nguồn cung, đưa đến những kêu gọi tăng cường hành động. Nhà phân tích thị trường Jeffrey Halley thuộc OANDA cho rằng vẫn có khả năng kéo dài thỏa thuận hoặc cắt giảm mạnh hơn.

Có những dấu hiệu cho thấy việc cắt giảm nguồn cung đang mang lại hiệu quả như mong muốn. Giá dầu Brent kỳ hạn tăng giá hơn 25% kể từ tháng Sáu và trong hơn hai tháng qua, giá giao ngay cao hơn giá giao sau, cho thấy thị trường đang được thắt chặt khi khuyến khích việc giao ngay hơn là để dầu trong kho dự trữ.

>> Xem thêm: OPEC gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tới tháng 3/2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục