Giá dầu châu Á hướng tới tuần giảm thứ sáu liên tiếp

17:29' - 03/12/2021
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần 3/12.

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần 3/12, nối dài đà tăng sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng mình, còn gọi là  OPEC+ cho biết họ sẽ xem xét việc bổ sung nguồn cung trước cuộc họp sắp tới nếu biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tuy vậy, giá dầu vẫn hướng tới tuần giảm thứ sáu liên tiếp.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1,38 USD (2,1%), lên 67,88 USD/thùng, sau khi tăng 1,4% vào phiên trước đó. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc cũng tiến 1,34 USD (1,9%), lên 71,01 USD/thùng, sau khi chứng kiến mức tăng 1,2% vào phiên trước.

Ngày 2/12, OPEC+ đã gây bất ngờ cho thị trường khi đưa ra các kế hoạch bổ sung nguồn cung tương đương 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022.

Jeffrey Halley, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết: "Nếu biến thể Omicron không lây lan rộng hơn, mức thấp nhất trong tuần này của giá dầu Brent và WTI có thể đại diện cho mức thấp nhất của mặt hàng này trong trung hạn".

Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn để ngỏ khả năng thay đổi chính sách nhanh chóng nếu nhu cầu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Các nhà lãnh đạo của OPEC+ nói rằng họ có thể gặp nhau trước cuộc họp tiếp theo, dự kiến vào ngày 4/1, nếu điều đó là cần thiết.

Nhà phân tích Ann-Louise Hittle của Wood Mackenzie cho biết, việc OPEC+ kiên trì với chính sách của họ lúc này là hoàn toàn hợp lý, vì vẫn chưa rõ tác động của biến thể Omicron ở mức độ nhẹ hay nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.

Thị trường đã biến động cả tuần qua bởi sự xuất hiện của biến thể Omicron và làm dấy lên những đồn đoán rằng nó có thể châm ngòi cho các đợt phong toả xã hội mới, giảm nhu cầu nhiên liệu và thúc đẩy OPEC+ giữ nguyên mức tăng sản lượng.

Tính đến thời điểm này của tuần giá dầu Brent giảm khoảng 2,4%, trong khi WTI mất 0,4%. Cả hai loại dầu chủ chốt này đều đang hướng tới tuần giảm giá thứ sáu liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018.

Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết sự sụt giảm của thị trường năng lượng không thể hiện rằng nhu cầu tiêu thụ đang bị ảnh hưởng "quá mức". Dữ liệu về hoạt động di chuyển toàn cầu, trừ Trung Quốc, cho thấy các hoạt động di chuyển của người dân trên toàn thế giới đang tiếp tục phục hồi, trung bình ở mức 93% của năm 2019 vào tuần trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục