Giá dầu châu Á phục hồi nhẹ trong phiên 26/9

10:03' - 26/09/2022
BNEWS Giá dầu châu Á tăng nhẹ vào đầu phiên 26/9 sau khi trượt xuống mức thấp nhất trong tám tháng vào tuần trước.

Giới đầu tư vẫn lo ngại việc các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đồng loạt tăng mạnh lãi suất sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái kinh tế, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 17 xu Mỹ (tương đương 0,2%) lên 86,32 USD/thùng lúc 8 giờ 16 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 21 xu Mỹ (0,3%) lên 78,95 USD/thùng. Trước đó, cả hai hợp đồng tiêu chuẩn đều mất khoảng 5% vào thứ Sáu tuần trước (23/9).

Các nhà phân tích cho rằng giá dầu thô sẽ được hỗ trợ phần nào khi căng thẳng Nga -Ukraine gia tăng, bên cạnh việc các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga sẽ có hiệu lực vào tháng 12 tới.

Nhà phân tích Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth Bank cho biết, đây thực sự là vấn đề lớn đối với thị trường dầu khi họ muốn đưa ra dự báo cho vài quý tới. Hiện giới giao dịch muốn xác định tác động từ nhu cầu yếu hơn sẽ lớn thế nào khi so với ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của EU.

Ông Dhar lưu ý rằng sẽ vẫn còn nhiều thách thức đối với thị trường trong việc tìm kiếm nguồn cung để thay thế dầu từ Nga.

Giữa lúc giá dầu đi xuống, sự chú ý của thị trường sẽ chuyển sang những gì Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối do Nga đứng đầu (nhóm OPEC+) có thể làm tại cuộc họp ngày 5/10. Trước đó trong cuộc họp gần nhất, nhóm này đã đồng ý cắt giảm sản lượng nhưng chỉ một cách khiêm tốn.

Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường ANZ Research cho biết tình trạng bán tháo có thể khiến OPEC can thiệp một lần nữa. Họ viện dẫn phát biểu của Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria, ông Timipre Sylva, rằng OPEC sẽ xem xét cắt giảm sản lượng thêm nữa. Lý do là vì giá dầu hiện tại đang làm tổn hại đến ngân sách của một số nước thành viên.

Tuy nhiên, do OPEC+ đang sản xuất thấp hơn mục tiêu sản lượng của mình, bất kỳ sự cắt giảm bổ sung nào cũng sẽ không có nhiều tác động đối với nguồn cung thực tế./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục