Giá dầu, chứng khoán châu Á đi xuống trước khi Mỹ công bố số liệu lạm phát

18:24' - 28/02/2024
BNEWS Hầu hết các thị trường đi xuống trong phiên chiều 28/2 khi các nhà giao dịch chờ đợi Mỹ công bố số liệu lạm phát quan trọng và nhận xét từ các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất.

* Giá vàng ít biến động

Giá vàng ít biến động trong phiên giao dịch chiều 28/2 do lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm bù đắp một phần cho đồng USD tăng.

Trong khi đó, các nhà giao dịch chờ đợi Mỹ công bố số liệu lạm phát quan trọng và nhận xét từ Fed trong tuần này để đánh giá khi nào Fed có thể hạ lãi suất.

Giá vàng giao ngay vững ở mức 2.030,12 USD/ounce vào lúc 13 giờ 43 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,2% xuống 2.039,40 USD/ounce.

Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 4,2855% từ mức 4,3150% vào thứ Ba (27/2), trong khi chỉ số đồng USD tăng 0,2%.

 

Nhà phân tích Luca Santos của ACY Securities, cho rằng báo cáo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, cùng với số liệu Tổng sản phẩm quốc nội sắp tới có thể đóng vai trò là chất xúc tác để vàng thoát ra khỏi phạm vi giao dịch hiện tại 2.020 - 2.050 USD/ounce.

Các thị trường đang chờ đợi Mỹ công bố số liệu GDP vào lúc 13:30 GMT, trong khi chỉ số PCE cốt lõi - sẽ được công bố vào thứ Năm (29/2).

Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ ngày 28/2, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 77,30 - 79,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Giá dầu giảm

Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 28/2 do triển vọng chu kỳ cắt giảm lãi suất của Mỹ chậm trễ và dự trữ dầu thô của Mỹ tăng.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 90 xu Mỹ (1,08%) xuống 82,75 USD/thùng vào lúc 16 giờ 02 (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) của Hoa Kỳ giảm 92 xu Mỹ (1,17%) xuống 77,95 USD/thùng.

Hôm thứ Ba (27/2), Fed ra tín hiệu không vội cắt giảm lãi suất của Mỹ, đặc biệt trước những rủi ro lạm phát tăng cao có thể cản trở tiến trình kiểm soát áp lực giá cả hoặc thậm chí dẫn đến sự hồi phục. Chủ tịch Fed thành phố Kansas Jeffrey R. Schmid cũng đưa ra nhận xét tương tự vào thứ Hai (26/2).

Chuyên gia Vandana Hari, người sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights cho biết, trong phiên sáng nay đã diễn ra một số hoạt động chốt lời.

Viện Dầu khí Mỹ (API) hôm thứ Ba cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 8,43 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/2. Số liệu cũng cho thấy dự trữ xăng giảm 3,27 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 523.000 thùng.

* Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm

Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 28/2 do các nhà đầu tư thận trọng trước báo cáo lạm phát của Mỹ công bố trong tuần này.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) giảm 0,44% xuống 525,40 điểm. Chỉ số Nikkei Stock Average 225 giảm 31,49 điểm (0,08%) xuống 39.208,03 điểm. Chỉ số Hang Seng giảm 253,95 điểm (1,5%) đóng cửa ở mức 16.536,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite kết thúc phiên giảm 57,63 điểm (1,9%) xuống 2.957,85 điểm và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến, sàn giao dịch lớn thứ hai của Trung Quốc, giảm 65,09 điểm (3,8%) xuống 1.651,49 điểm.

Riêng chỉ số KOSPI Hàn Quốc tăng 27,24 điểm (1,04%) lên 2.652,29 điểm.

Các nhà đầu tư tập trung vào theo dõi Mỹ công bố chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 1/2024 được công bố vào thứ Năm (29/2). PCE tháng 1/2024 dự kiến sẽ tăng 0,3% so với tháng trước đó.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch chiều 28/2 chỉ số VN-Index tăng 17,09 điểm (1,38%) lên 1.254,55 điểm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (0,09%) xuống 235,16 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục