Giá dầu đi xuống trên thị trường châu Á phiên đầu tuần

11:04' - 03/09/2018
BNEWS Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/9, giá dầu trên thị trường châu Á giảm nhẹ
Giá dầu đi xuống trên thị trường châu Á phiên đầu tuần. Ảnh minh họa: Reuters

Trong bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung ứng “vàng đen” từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Mỹ tăng nhiều hơn mức sụt giảm sản lượng khai thác của Iran khi Mỹ áp đặt trừng phạt nước này từ tháng 11/2018.

Tại thị trường Singapore lúc 9 giờ 22 phút (giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 0,18 USD (hay 0,3%) xuống 69,62 USD/thùng. Giá dầu Brent giao kỳ hạn cũng giảm 0,21 USD xuống 75,75 USD/thùng.

Theo một khảo sát của hãng tin Reuters, sản lượng khai thác của OPEC trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 8 tăng thêm 220.000 thùng mỗi ngày, lên mức cao nhất năm 2018 là 32,79 triệu thùng mỗi ngày. Theo đó, sản lượng khai thác dầu mỏ của tổ chức OPEC đã được đẩy tăng cao nhờ sự phục hồi nguồn cung từ Libya cùng với sản lượng xuất khẩu miền Nam Iraq tăng cao kỷ lục.

Trong khi đó, báo cáo của hãng dịch vụ năng lượng Baker Hughes cuối tuần qua cho thấy số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ lần đầu tiên tăng trong 3 tuần qua, khi tăng thêm 2 giàn khoan. Qua đó, nâng tổng số giàn khoan dầu ở Mỹ lên 862 giàn. Số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ tăng cao đã giúp sản lượng khai thác dầu thô của nước này tăng thêm 30% kể từ giữa năm 2016, lên 11 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Mặc dù giá năng lượng giảm, song Trưởng bộ phận giao dịch châu Á – Thái Bình Dương thuộc OANDA, Stephen Innes cho rằng giá dầu brent đã được hỗ trợ bởi quan điểm cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu thô của Iran, sẽ dẫn đến thị trường năng lượng chịu hạn chế và đẩy giá dầu lên cao. Chuyên gia phân tích Edward Bell thuộc ngân hàng Emirates NBD (Dubai) cho hay sản lượng khai thác dầu thô của Iran có dấu hiệu suy giảm, với mức giảm khoảng 150.000 thùng/ngày trong tháng trước bởi các nhà nhập khẩu dầu Iran sẽ tránh việc nhập khẩu từ nước này.

Nhiều chuyên gia cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm vì các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu thế giới khác, bao gồm cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu, sẽ làm giảm nhu cầu dầu mỏ.

Một cuộc khảo sát đưa ra ngày 3/9 cho thấy, trong bối cảnh việc áp đặt thuế nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng, hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng Tám vừa qua tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong hơn một năm qua, với việc các đơn xuất khẩu giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp và các nhà tuyển dụng cắt giảm thêm nhiều nhân viên hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục