Giá dầu rẻ dưới góc nhìn đa chiều

10:48' - 10/02/2016
BNEWS Giá dầu giảm liên tục đang mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và các hãng hàng không, song lại gây bất lợi với các doanh nghiệp năng lượng và các nước sản xuất dầu.

Giá dầu giảm đồng thời làm tăng thách thức đối với các ngân hàng trung ương trong "cuộc chiến" với giảm phát.

Giá dầu rẻ dưới góc nhìn đa chiều. Ảnh: Reuters

Nhà phân tích Denis Ferrand của tổ chức nghiên cứu Coe-Rexecode (Pháp) cho rằng những đối tượng chịu thiệt nhất do giá dầu giảm là các nước xuất khẩu dầu. Các nước vùng Vịnh đã thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu trong những tháng gần đây, còn Nigeria dự định tăng cường đi vay để trang trải nhu cầu tài chính.

Các công ty năng lượng cũng đang đối mặt với tình trạng sản lượng sụt giảm và giá cổ phiếu đi xuống. Tuần trước, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã đưa 120 công ty năng lượng, kim loại và khai khoáng vào diện xem xét hạ bậc tín nhiệm. Moody's cảnh báo các công ty này đang đứng trước những bất ổn tài chính gia tăng với dòng tiền mặt giảm mạnh.

Giá dầu giảm tác động mạnh tới giá cả sinh hoạt khiến nhiệm vụ ứng phó với tình trạng giảm phát trở nên khó khăn hơn đối với các ngân hàng trung ương.

Nhật Bản có thể tung thêm các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã "bóng gió" về hành động tiếp theo của ngân hàng này vào tháng Ba tới trong nỗ lực nhằm nâng cao tỷ lệ lạm phát.

Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu được lợi hơn mỗi khi đổ xăng hay sử dụng dầu sưởi. Với việc giảm được chi phí nhiên liệu, người tiêu dùng sẽ tăng cường chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ khác, mang lại một cú hích cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiên liệu giá rẻ cũng sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng đang chậm lại của Trung Quốc, trong khi giúp Ấn Độ duy trì nhịp độ tăng trưởng hơn 7%.

Còn tại châu Âu, giá dầu thấp cũng mang lại cú hích đáng kể để thúc đẩy tăng trưởng. Coe-Rexecode ước tính giá dầu rẻ đã đóng góp một phần tư trong mức tăng trưởng 1,5% của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong năm 2015./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục