Giá dầu tại châu Á phiên 1/3 tăng mạnh do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung

17:32' - 01/03/2022
BNEWS Trong phiên chiều 1/3 tại châu Á, giá dầu Brent giao tháng Năm tăng 1,8%, lên 99,7 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao tháng Tư tăng 1,6%, lên 97,28 USD/thùng, do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt.
Giá dầu tại châu Á phiên 1/3 tăng mạnh, khi những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung do xung đột tại Ukraine gây sức ép lên thị trường, dù việc phối hợp giải phóng dầu từ kho dự trữ trên toàn cầu đang được cân nhắc.

Giá dầu Brent giao tháng Năm tăng 1,8%, lên 99,7 USD/thùng vào lúc 14 giờ 34 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi chạm mức 100 USD/thùng. Giá dầu này đạt mức cao nhất trong 7 năm là 105,79 USD/thùng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine trong tuần trước.

Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng Tư của Mỹ tăng 1,6%, lên 97,28 USD/thùng. Hợp đồng này chạm mức cao 99,1 USD/thùng trong phiên trước và chốt phiên tăng hơn 4%.

Những lo ngại về khả năng nguồn cung bị thắt chặt đã khiến giá dầu tăng khi cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vào ngày 28/2 đã kết thúc và hai bên sẽ quay trở lại thủ đô của mỗi nước để tham vấn về khả năng tiến hành vòng đàm phán thứ hai, cho thấy một giải pháp cho cuộc xung đột sẽ không sớm đạt được.

Nhà phân tích về thị trường dầu mỏ Rystad Energy, Louise Dickson, cho rằng tình hình tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt về tài chính và năng lượng nhằm vào Nga sẽ khiến khủng hoảng năng lượng tiếp diễn và giá dầu vẫn trên mức 100 USD/thùng trong ngắn hạn và thậm chí cao hơn nếu xung đột leo thang.

Các công ty dầu khí lớn như BP và Shell đã thông báo kế hoạch rút khỏi các hoạt động và các liên doanh tại Nga.

Các khách hàng mua dầu mỏ của Nga đang đối mặt với khó khăn trong việc thanh toán và về tàu vận chuyển do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Trong khi đó, các nhà máy tại châu Á duy trì đà phục hồi trong tháng Hai khi có những dấu hiệu cho thấy đại dịch ít gây tác động hơn, có nghĩa nhu cầu dầu khả quan.

Một diễn biến tác động tích cực lên thị trường là Mỹ và các nước đồng minh đang cân nhắc việc phối hợp giải phóng dầu từ kho dự trữ nhằm giảm thiểu sự gián đoạn nguồn cung. Lượng dầu được giải phóng có thể vào khoảng 60-70 triệu thùng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế sẽ có cuộc họp bất thường cấp bộ trưởng trong ngày 1/3 để thảo luận về vai trò của các nước thành viên trong việc ổn định các thị trường dầu mỏ.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga, cũng sẽ họp vào ngày 2/3 và được cho là duy trì việc tăng dần sản lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục