Giá dầu thế giới đi lên phiên 14/1 nhờ đồng USD yếu

08:14' - 15/01/2021
BNEWS Trong phiên giao dịch ngày 14/1, giá dầu thế giới đi lên nhờ đồng USD yếu và dấu hiệu lạc quan từ hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu vẫn bị hạn chế bởi những quan ngại mới về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu do số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không ngừng gia tăng tại châu Âu và lệnh phong tỏa xã hội mới tại Trung Quốc.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 66 xu Mỹ (1,3%), lên 53,57 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 36 xu Mỹ (0,6%), lên 56,42 USD/thùng.

Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ sáu đồng tiền quốc tế chủ chốt, đã sụt giảm trong phiên này, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn đưa ra lập trường ôn hòa khi cho rằng ngân hàng này sẽ không sớm tăng lãi suất. Đồng USD suy yếu khiến giá dầu, vốn được định giá bằng đồng tiền này, trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ ngoại tệ.

Ngoài ra, thị trường năng lượng còn được hậu thuẫn bởi thông tin về gói cứu trợ không lồ mới liên quan đến đại dịch COVID-19 của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, dự kiến được công bố vào ngày 14/1 (theo giờ Mỹ). Điều này làm dấy lên sự lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các chỉ số chứng khoán thế giới tăng lên mức cao kỷ lục và lợi suất trái phiếu Mỹ cũng đi lên trong phiên này, khi các nhà đầu tư tập trung vào đề xuất về gói cứu trợ mới của ông Biden.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, tổng lương nhập khẩu dầu thô của nước này trong năm 2020 đã tăng 7,3% so với năm 2019, với lượng dầu nhập khẩu cao kỷ lục trong quý II và quý III/2020, do các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động và giá dầu thấp đã khuyến khích nước này mua vào dự trữ. Tuy nhiên, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới vừa báo cáo mức tăng số ca mắc COVID-19 lớn nhất tính theo ngày trong hơn 10 tháng, khiến nhiều người lo ngại rằng nước này sẽ sớm triển khai đợt phong tỏa xã hội mới, theo chân nhiều nước châu Âu và Mỹ.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong năm 2021 là tăng 5,9 triệu thùng/ngày, lên 95,91 triệu thùng/ngày, sau mức giảm kỷ lục 9,75 triệu thùng/ngày vào năm ngoái do đại dịch COVID-19.

Một quan chức của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nhà sản xuất dầu đang đối mặt với thách thức chưa từng có trong việc cân bằng cung và cầu khi các yếu tố bao gồm tiến độ và tình hình phản ứng với vaccine ngừa COVID-19 làm mờ triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu./.

Minh Trang (Theo Reutres)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục