Giá dầu thế giới dứt chuỗi bốn tuần tăng lên tiếp

18:56' - 07/05/2016
BNEWS Mặc dù đảo chiều lên giá trong cả hai phiên giao dịch cuối tuần, song đà lao dốc từ đầu tuần không giúp thị trường năng lượng Mỹ tránh khỏi tuần giảm giá.
Giá dầu thế giới dứt chuỗi bốn tuần tăng lên tiếp. Ảnh: reuters

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (2/5), giá dầu đã chịu sức ép đi xuống giữa bối cảnh dự trữ dầu tại Cushing, bang Oklahoma (Mỹ) tăng vọt, sản lượng từ các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt tăng mạnh và một vài số liệu ảm đạm về nền kinh tế Mỹ báo hiệu nhu cầu năng lượng sẽ sụt giảm.

Đà bán tháo tiếp tục đẩy giá “vàng đen” đi xuống trong phiên giao dịch 3/5, sau khi tiếp nhận các thông tin kém lạc quan về kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Cụ thể, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) thuộc lĩnh vực chế tạo tại Mỹ trong tháng Tư vừa qua đã giảm mạnh hơn dự báo, xuống 50,8 (điểm), trong khi chỉ số PMI của Trung Quốc trong cùng kỳ cũng giảm xuống 49,4.

Nhận định về triển vọng thị trường năng lượng trong thời gian tới, chuyên gia Bart Melek thuộc TD Securities dự đoán nhu cầu dầu của thị trường trong năm nay và năm sau có khả năng sẽ chậm lại.

Giá dầu ngọt nhẹ lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch liền sau đó, do vụ cháy rừng tại Alberta (Canada), đe dọa sản lượng dầu cát tại khu vực này.

Vụ cháy rừng lớn nhất lịch sử vừa diễn ra ở thành phố Fort McMurray tại tỉnh bang Alberta (thủ phủ sản xuất dầu cát của Canada) khiến sản lượng dầu của nước này giảm 1/3, đồng thời cũng khiến nhiều nhà phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Canada có thể mất đi 0,5%.

Chuyên gia Matt Smith thuộc ClipperData cho biết, các đường ống dẫn dầu trong khu vực này đang phải dừng hoạt động và sản lượng dầu mỏ tại các cơ sở sản xuất trong khu vực bị gián đoạn.

Hai phiên giao dịch cuối tuần chứng kiến xu hướng “lội ngược dòng của giá dầu thế giới, với sự bật tăng của cả hai loại dầu chủ chốt.

Thị trường năng lượng không chỉ được hỗ trợ bởi vụ cháy rừng lớn tại Canada mà còn hưởng lợi khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya có thể làm giảm sản lượng dầu mỏ của nước này, cũng như báo cáo cho hay sản lượng dầu của Mỹ trong tuần trước (kết thúc ngày 29/4) đã giảm hơn 100.000 thùng/ngày, xuống 8,83 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2014.

Các thông tin này, cùng với thông tin mới nhất về cuộc tấn công vào cơ sở dầu ngoài khơi ở miền Nam Nigeria, thuộc sự điều hành của tập đoàn Chevron (Mỹ), đã khiến giới đầu tư “phớt lờ” báo cáo việc làm đáng thất vọng của Bộ Lao động Mỹ khi cho hay nền kinh tế số 1 thế giới chỉ tạo được thêm 160.000 việc làm mới trong tháng Tư vừa qua, mức thấp nhất trong vòng bảy tháng qua. 

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/5, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2016 tăng 34 xu Mỹ, lên 44,66 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2016 cũng tiến 36 xu Mỹ, lên 45,37 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, dầu Brent vẫn mất 4,2%, trong khi dầu WTI giảm 2,7%, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng giá liên tiếp của cả hai mặt hàng này.

Đáng chú ý, đây là tuần giảm giá mạnh nhất của dầu Brent trong vòng bốn tháng qua, do giới đầu tư đang có xu hướng bán tháo sau khi chứng kiến đà tăng mạnh trong tháng Tư. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục