Giá dầu thế giới giảm 3% trong cả tuần

13:17' - 14/01/2017
BNEWS Tuần qua, giá dầu thế giới chứng kiến mức giảm 3% trong cả tuần, giữa những nghi ngại về tính hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Giá dầu thế giới giảm 3% trong cả tuần. Ảnh: reuters

Trong phiên giao dịch đầu tuần (9/1), tâm lý lo ngại bao trùm thị trường dầu mỏ khi xuất khẩu dầu thô của Iraq đạt mức cao kỷ lục và sản lượng dầu gia tăng tại Mỹ có thể tác động tiêu cực tới những nỗ lực giảm bớt nguồn cung của OPEC.

Sang phiên giao dịch ngày 10/1, giá dầu thế giới giảm do đồng USD mạnh lên.

Phiên này, chỉ số USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng 0,08% lên 102,010 vào cuối phiên giao dịch.

Sản lượng dầu ở Bắc Mỹ tăng cũng gây sức ép lên giá dầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2017 có thể tăng 110.000 thùng/ngày, trái ngược với dự báo giảm 80.000 thùng/ngày của tháng trước.

Tới phiên giao dịch ngày 11/1, giá dầu thế giới lấy lại đà tăng trong bối cảnh đồng USD suy yếu.

Chỉ số đồng USD giảm 0,49% xuống 101,51 vào cuối phiên giao dịch này.

Đồng USD yếu khiến giá dầu trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư đang giữ trong tay các đồng tiền khác.

Trong khi đó, thông tin Saudi Arabia sẽ cắt giảm nguồn cung dầu mỏ xuất sang khu vực châu Á vào tháng 2/2017 cũng hỗ trợ thị trường năng lượng.

Trong phiên giao dịch ngày 12/1, giá dầu thế giới tiếp tục tăng khi các thành viên chủ chốt OPEC thông báo đã bắt đầu giảm sản lượng khai thác dầu mỏ.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết Vương quốc này đã cắt giảm nguồn cung dầu xuống mức thấp nhất trong hai năm qua.

Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Essam Al-Marzouq cho hay nước này cũng đã tiến hành cắt giảm sản lượng dầu nhiều hơn so với mức cam kết theo thỏa thuận của OPEC.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần (13/1), giá dầu Brent giảm 56 xu xuống 55,45 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 64 xu xuống 52,37 USD/thùng.

Các nhà phân tích nhận định thị trường “vàng đen” bị tác động bởi mối lo ngại về tình hình sức khỏe của kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới.

Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2017" vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo rằng giá của cả ba loại dầu gồm dầu Dubai, dầu Brent Biển Bắc và dầu ngọt nhẹ New York trong năm 2017 sẽ tăng trung bình 35,2% so với năm 2016.

Trong các năm 2018 và 2019, đà tăng của giá dầu có thể vẫn được duy trì với mức tăng lần lượt là 8,4% và 4,6%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục