Giá dầu thế giới giảm hơn 1% trong phiên 7/9

17:00' - 07/09/2020
BNEWS Trong phiên 7/9, giá dầu Brent giảm 1,3%, xuống 42,11 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,6%, xuống còn 39,13 USD/thùng, khi Saudi Arabia giảm mạnh giá bán cho châu Á.
Giá dầu thế giới giảm hơn 1% trong phiên 7/9, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng Bảy, giữa lúc Saudi Arabia giảm giá dầu bán cho châu Á ở mức mạnh nhất trong 5 tháng qua và sự lạc quan về đà phục hồi nhu cầu giảm bớt trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Giá dầu Brent giảm 55 xu, hay 1,3%, xuống 42,11 USD/thùng vào lúc 13 giờ 42 phút, sau khi giảm xuống 41,51 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 30/7. Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 64 xu, hay 1,6%, xuống còn 39,13 USD/thùng, sau khi giảm xuống 38,55 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 10/7.

Thị trường toàn cầu vẫn đang trong tình trạng dư cung dầu thô và nhiên liệu, cho dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, được gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng và các chính phủ nỗ lực kích thích nền kinh tế toàn cầu, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với dầu mỏ. Các nhà máy lọc dầu đã giảm sản lượng, khiến các nước sản xuất như Saudi Arabia đã phải giảm giá để bù vào nhu cầu đang suy giảm.

Nhà kinh tế Howie Lee, thuộc ngân hàng OCBC của Singapore, cho rằng lòng tin của nhà đầu tư đã giảm sút và có thể thị trường sắp tới sẽ chịu sức ép bán ra. 

Ngày 7/9, ngày lễ Lao động tại Mỹ, thường đánh dấu sự kết thúc của mùa Hè với nhu cầu đạt đỉnh điểm và sự chú ý của nhà đầu tư sẽ lại tập trung vào nhu cầu yếu của nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này, vốn là yếu tố hỗ trợ giá dầu với lượng dầu mua kỷ lục, đã giảm nhập khẩu trong tháng Tám và tăng xuất khẩu các sản phẩm của mình.

Giám đốc phụ trách các thị trường và an ninh năng lượng tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Keisuke Sadamori, cho rằng có quá nhiều yếu tố không chắc chắn liên quan đến kinh tế Trung Quốc và mối quan hệ giữa nền kinh tế này với các nước công nghiệp chủ chốt, với Mỹ và thậm chí là châu Âu. Đó không phải là tình huống có thể lạc quan và khiến triển vọng tăng trưởng bị ảnh hưởng.

Nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới là Saudi Arabia đã hạ giá bán chính thức tháng 10 đối với dầu nhẹ Arab Light bán cho châu Á với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng Năm, do nhu cầu vẫn yếu. Châu Á là thị trường lớn nhất tính theo khu vực của Saudi Arabia.

Trong tháng Tám, OPEC+ đã hạn chế mức cắt giảm sản lượng xuống 7,7 triệu thùng/ngày, sau khi giá dầu thế giới phục hồi từ các mức thấp kỷ lục, trong lúc đại dịch khiến nhu cầu giảm mạnh.

Giá dầu cũng chịu sức ép khi các công ty Mỹ tăng cường khoan các mỏ mới sau khi giá dầu phục hồi trong thời gian gần đây. Các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần trước đã tăng số giàn khoan dầu và khí đốt lần thứ hai trong ba tuần qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục