Giá dầu vẫn giảm bất chấp nguồn cung thắt chặt tại Mỹ

16:05' - 16/08/2023
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều 16/8, nới rộng đà giảm 1% của phiên trước đó.

Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều 16/8, nới rộng đà giảm 1% của phiên trước đó, do lo ngại rằng nền kinh tế đang trên đà giảm tốc của Trung Quốc đã lấn át số liệu cho thấy lượng dầu trong các kho dự trữ của Mỹ giảm.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 38 xu Mỹ, xuống 84,51 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) hạ 35 xu Mỹ, xuống 80,64 USD/thùng. Cả hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8/8 vào phiên 15/8.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết: “Những lo ngại rằng nền kinh tế đang chững lại của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ, bù đắp cho nguồn cung khan hiếm trên thị trường dầu mỏ. Lượng dầu tồn kho tại trung tâm dầu mỏ Cushing của Mỹ được cho là đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2023. Các nhà máy lọc dầu châu Á cũng đang đẩy mạnh mua vào các lô dầu có sẵn của Mỹ".

 
Theo các nguồn tin trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API), các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 6,2 triệu thùng trong tuần trước. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức giảm 2,3 triệu thùng mà các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters dự kiến.

Dữ liệu của chính thức của Bộ năng lượng Mỹ về dầu tồn kho sẽ được công bố vào ngày 16/8 (giờ địa phương).

Dữ liệu yếu kém về hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7/2023 vẫn là yếu tố chính thúc đẩy thị trường đi xuống, sau khi doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và số liệu đầu tư không đạt như kỳ vọng, làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm sâu hơn và kéo dài hơn trong tăng trưởng kinh tế nước này.

Các số liệu kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7/2023 đã khiến một số nhà kinh tế cảnh báo rủi ro rằng Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - có thể gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay nếu không có thêm gói kích thích tài chính.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC- Ngân hàng trung ương) cắt giảm lãi suất chủ chốt để thúc đẩy hoạt động và một số nhà phân tích đang hy vọng nhiều biện pháp kích thích sẽ sớm được thực hiện để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hỗ trợ nhu cầu đối với các mặt hàng như dầu mỏ.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng National Australia Bank cho biết: “Diễn biến kinh tế tiêu cực dai dẳng của Trung Quốc sẽ làm tăng khả năng chính phủ nước này đẩy mạnh các biện pháp kích thích, điều này sẽ chứng kiến sự gia tăng nhu cầu hàng hóa do mức tồn kho nhìn chung thấp và khiến giá cả tăng vọt”.

Giám đốc nghiên cứu của Rystad Energy, ông Claudio Galimberti, cho biết triển vọng thị trường trong quý IV/2023 sẽ "chủ yếu phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc, mặc dù có vẻ như Saudi Arabia sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề đó thông qua việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ nếu cần thiết".

Việc cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và Nga, một phần quan trọng trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, đã đẩy giá dầu tăng trong bảy tuần qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục