Gia hạn nộp thuế, phí: "Ngấm" vào doanh nghiệp

07:58' - 01/07/2024
BNEWS Các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất hiện đã "ngấm" vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó, giao Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất hiện đã "ngấm" vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền.

Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn, các nhóm chính sách về miễn, giảm thuế phí đã được thực hiện từ rất sớm. Từ đó, giúp doanh nghiệp, người dân cũng như các nhà đầu tư có thêm nguồn vốn xây dựng phương án kinh doanh khả thi hơn trong trung hạn cũng như dài hạn.

Từ năm 2020 đến năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất với tổng số tiền lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng. Sang năm nay, để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm, Quốc hội và Chính phủ ban hành giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm một số loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2024 để hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển. Tổng cục Thuế cho biết: Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất đã được miễn, giảm trong 5 tháng đầu năm 2024 là khoảng 31.840 tỷ đồng.

Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành ban hành hai nghị định gồm: Nghị định số 64/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024 và Nghị định số 65/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp, người dân có thể nộp muộn hơn từ 2-5 tháng tùy từng loại thuế. Nghị định số 64/2024/NĐ-CP cho phép gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng cho quý II năm nay. Đối với thuế giá trị gia tăng thì hộ kinh doanh và doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế 5 tháng, bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 9. Còn đối với tiền thuê đất thì sẽ được gia hạn 50% số tiền phát sinh phải nộp cho 2 tháng cuối năm là tháng 11 và tháng 12. Về đối tượng gia hạn, trừ các doanh nghiệp ngành bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng thì các ngành nghề còn lại đều là đối tượng được thụ hưởng.

Nghị định số 65/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2024 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2024.

Cụ thể, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5, 6, 7/2024 chậm nhất là ngày 20/11/2024. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 8, 9/2024 chậm nhất là ngày 20/1/2025.

Ông Nguyễn Minh Long, Giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết đây là một tin vui đối với công ty. Mặc dù số tiền được gia hạn của công ty không nhiều nhưng có thể được coi là một khoản vay ngắn hạn mà công ty không phải chịu lãi suất nào trong 6 tháng cuối năm giúp giảm bớt gánh nặng tài chính.

Trong khi đó, chị Hoàng Thúy Khanh, chủ hộ kinh doanh tại Hà Nội cho biết:  Trong lúc kinh tế đang khó khăn, việc được gia hạn khoảng mười mấy triệu cho 3 tháng là rất quý trong đều kiện doanh nghiệp còn khó khăn.

Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cũng nhận định: Thực tế từ những lần triển khai trước đây, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu ứng rất lớn, tác động trực tiếp tới hoạt động doanh nghiệp, không có độ trễ về thời gian. Trong bối cảnh đơn hàng phục hồi nhưng tiềm ẩn nhiều biến động, nguồn tiền thuế được gia hạn trở thành nguồn vốn tạm thời giúp doanh nghiệp quay vòng vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tổng cục Thuế cho biết: Ước tính, tổng gói chính sách giãn hoãn thuế và tiền thuê đất từ giờ tới cuối năm nay là khoảng 84.000 tỷ đồng; trong đó, thuế giá trị gia tăng là 52.000 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 27.000 tỷ đồng, tiền thuê đất 3.000 tỷ đồng và thuế hộ kinh doanh là 450 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí, ông Cao Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp hộ kinh doanh trên địa bàn khi được gia hạn thuế đã sử dụng tiền thuế gia hạn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không phải tính lãi. Như vậy, doanh nghiệp đã có được nguồn lực tài chính, chủ động, ngay tức thời không phải vay ngân hàng. Đây là điều kiện cho sự phát triển và tăng trưởng sau này của doanh nghiệp.

Hiện Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên trang thông tin điện tử của cục thuế, trên trang zalo của cục thuế, gửi thư điện tử đến doanh nghiệp về các nội dung, hướng dẫn triển khai Nghị định số 64/2024/NĐ-CP và Nghị định số 65/2024/NĐ-CP để doanh nghiệp, người dân nắm bắt thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Cục thuế các địa phương cũng kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho người nộp thuế để xử lý kịp thời với các chính sách được nhà nước hỗ trợ cho người nộp thuế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục