Giá hồ tiêu tăng mạnh, Đồng Nai khuyến cáo không mở rộng diện tích trồng

17:31' - 19/03/2021
BNEWS Ngành nông nghiệp Đồng Nai khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích hồ tiêu, bởi đây là loại cây trồng khoảng 5 năm mới thu hoạch, chi phí đầu tư lớn, giá cả không ổn định.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, hồ tiêu là cây chủ lực của Đồng Nai, quan điểm của tỉnh là duy trì diện tích từ 10.000 ha – 12.000 ha.

Hồ tiêu tăng giá là tín hiệu tích cực, giúp người trồng có thu nhập sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ. Nông dân cần theo dõi sát diễn biến thị trường nhằm đưa ra quyết định phù hợp, dù giá tiêu tăng, song thời điểm này người dân không nên mua tiêu tích trữ, điều này đối mặt nhiều rủi ro.

Ngành nông nghiệp Đồng Nai khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích hồ tiêu, bởi đây là loại cây trồng khoảng 5 năm mới thu hoạch, chi phí đầu tư lớn, giá cả không ổn định.

Để phát triển bền vững cây hồ tiêu, Đồng Nai khuyến khích nông dân đầu tư chăm sóc vườn tiêu hiện có, trồng xen hồ tiêu với sầu riêng, bơ. Đây là những loại cây tán rộng, có chức năng che nắng, giúp cây tiêu phát triển tốt, năng suất cao; khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất.

Hiện ngành nông nghiệp Đồng Nai đang hỗ trợ người dân huyện Cẩm Mỹ trồng tiêu theo chuẩn GlobalGAP, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa bàn khác trong toàn tỉnh.

Khoảng 15 ngày qua, giá hồ tiêu trong cả nước cũng như tại Đồng Nai liên tục tăng, đến nay đã đạt hơn 80.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 30.000 đồng/kg so với trước.

Hồ tiêu tăng giá, tuy nhiên, nông dân ở Đồng Nai vẫn băn khoăn, kém vui, họ không biết giá cả tới đây sẽ như thế nào và bởi vụ này diện tích và năng suất tiêu của người dân đều giảm. Tiêu tăng giá là tín hiệu tích cực, song vẫn tiềm ẩn rủi ro, người dân cần hiểu về thị trường, tiến tới sản xuất bền vững.

Ông Lê Đình Thường, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thuê 5 người thu hoạch hồ tiêu. Ông Thường luôn sốt sắng, bởi giá tiêu tăng từng ngày, ông muốn thu hoạch sớm để kịp bán.

Phần phấn khởi vì giá hồ tiêu tăng, song niềm vui của ông không trọn vẹn, nguyên nhân là trước đây ông có 4 ha hồ tiêu, năng suất trên 4 tấn/ha, nhưng sau đó chặt bỏ dần, nay chỉ còn hơn 1 ha và mỗi ha năng suất gần 2 tấn. Năng suất hồ tiêu giảm là do ông ít bón phân, chăm sóc qua loa.

Ông Thường chia sẻ, ông trồng tiêu hàng chục năm, nhưng diễn biến giá như lần này thì rất hiếm thấy – giá tăng nhanh theo từng ngày. Mỗi kg hồ tiêu trên dưới 80.000 đồng đảm bảo cho người trồng có lời, chỉ tiếc là tôi không còn nhiều để bán.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Tư Hường, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, có gần 4 ha hồ tiêu, năng suất trung bình hơn 4,5 tấn/ha. Do hồ tiêu liên tục rớt giá nên ông phải chặt bỏ, đến nay chỉ còn 1,5 ha. Vụ tiêu này, ông Hường thu hoạch được hơn 3 tấn và đã xuất bán toàn bộ với giá 80.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Tư Hường cho biết, gia đình ông còn tích trữ 12 tấn hồ tiêu, số này tôi vẫn chưa bán, tôi nghĩ giá tiêu sẽ còn tiếp tục tăng. Về lâu dài, nếu giá tiêu trên dưới 100.000 đồng/kg thì gia đình tôi sẽ đầu tư, chăm sóc vườn tiêu cẩn thận. Vấn đề trồng thêm thì tôi không còn nghĩ đến, trước đây, khi hồ tiêu được giá, tôi liên tiếp mở rộng diện tích, rồi cơn bão giá kéo dài nhiều năm khiến tôi phải chặt bỏ hàng loạt, đây là bài học lớn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, giá tiêu hiện đang tăng nóng. Lịch sử ngành tiêu những năm qua cho thấy, vào vụ thu hoạch là giá giảm hoặc duy trì giá như trước vụ, song năm nay giá lại tăng từng ngày. Điều này là do nguồn cung giảm, giới đầu cơ (nhỏ) tăng cường mua vào để có đủ hàng phục vụ xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Luân phân tích: đối với ngành tiêu, thế giới lệ thuộc rất nhiều vào Việt Nam và Brasil; trong đó, sản lượng tiêu của Việt Nam có tính quyết định, chiếm tỷ trọng lớn. Vài năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 280.000 tấn hồ tiêu; trong khi đó, Brasil, nước xuất khẩu tiêu thứ 2 thế giới có sản lượng mỗi năm dưới 90.000 tấn. Việt Nam là nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới, thời gian gần đây, nguồn cung tiêu của Việt Nam giảm, giá tăng – đó là quy luật thị trường.

"Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San là doanh nghiệp nhỏ, nhưng chúng tôi nắm rõ thị trường. Nhiều năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San đã liên kết với gần 1.000 nông dân, sản xuất tiêu sạch xuất khẩu sang Đức và các nước châu Âu với sản lượng mỗi năm khoảng 1.000 tấn. Giá cả phụ thuộc vào cung cầu và do thị trường quyết định, dự báo tới đây, giá tiêu sẽ còn tăng. Hiện nông dân đang gửi tại Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San hơn 150 tấn hồ tiêu, họ chưa bán", ông Nguyễn Ngọc Luân khẳng định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, hồ tiêu tăng, giảm giá theo chu kỳ, Việt Nam có thế mạnh về hồ tiêu nên phải khai thác, phát huy. Quan trọng nhất trong sản xuất là nông dân không chạy theo giá cả, phải tính đến thị trường. Hiện nay, sản phẩm tiêu của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với tiêu từ các nước khác như: Brasil, Indonesia, nhưng hồ tiêu Việt Nam vẫn quyết định thị trường, xuất khẩu vẫn rất tốt.

Hiện Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San đang đẩy mạnh phối hợp với nông dân phát triển tiêu sạch, theo hướng hữu cơ. Khi hồ tiêu có chất lượng tốt việc xuất khẩu sẽ thuận lợi, giá cả cũng tăng lên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trước đây, do hồ tiêu có giá cao nên nông dân ồ ạt trồng, năm 2018, diện tích hồ tiêu của Đồng Nai đạt 19.000 ha.

Sau đó, tiêu giảm giá, người dân liên tục chặt bỏ, đến nay diện tích chỉ còn 12.000 ha. Bên cạnh đó, do giá tiêu xuống thấp, thời gian qua đa số nông dân bỏ bê vườn, không chăm sóc cẩn thận, năng suất hồ tiêu giảm từ 30 - 50% so với trước./.

>>Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều diện tích tiêu mất mùa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục