Gia Lai: Các nhà máy chế biến phải đảm bảo hoạt động, thu mua hết nông sản cho người dân

09:31' - 04/02/2021
BNEWS Thời điểm này, hàng loạt ruộng rau, hoa đang "chững" hàng, không thể xuất bán vì ảnh hưởng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Khác với không khí đón Tết rộn ràng, tấp nập của những năm trước, năm nay, người trồng rau, hoa phục vụ Tết tại tỉnh Gia Lai lao đao vì không xuất bán được hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trước tình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã có phương án, kế hoạch ứng phó, hỗ trợ người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế-xã hội.
Điêu đứng vì COVID-19
Thành phố Pleiku có tổng diện tích gieo trồng rau, hoa gần 200 ha và là nơi cung cấp rau, hoa các loại phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán hàng năm cho người dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này, hàng loạt ruộng rau, hoa đang "chững" hàng, không thể xuất bán vì ảnh hưởng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Anh Lê Thành Trung (thôn 1, xã An Phú, thành phố Pleiku) buồn rầu cho biết, gia đình anh có khoảng gần 1 ha trồng hoa lay ơn để phục vụ dịp Tết. So với những năm trước, lẽ ra đã xuất bán được nhiều chuyến hàng trước ngày giỗ ông Công ông Táo nhưng đến thời điểm này, ruộng hoa gia đình anh vẫn im ắng, không có thương lái đến hỏi thu gom. Kể cả phương án cắt bán lẻ cũng không thể thực hiện được vì không có khách mua lẻ.
Anh Trung cho biết, nếu tính chi phí kể cả nhân công chăm sóc thì năm nay gia đình anh thiệt hại khoảng một trăm triệu đồng. Còn nếu xuất bán được giá như những năm trước, trên diện tích này anh sẽ thu từ 200-250 triệu đồng/ha.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thành phố Pleiku, diện tích gieo trồng rau, hoa, củ quả vụ Đông Xuân 2020-2021 tập trung chủ yếu tại các xã An Phú (50 ha), Chư Á (86 ha), Trà Đa (30,16 ha), Thống Nhất (11,4 ha). Các loại cây trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.

Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ các mặt hàng rau, hoa màu trên địa bàn thành phố giảm, giá thành thương lái mua thấp. Giá thành trung bình thương lái mua của người dân hiện nay chỉ đảm bảo được 50% so với giá thành sản xuất. Việc đầu ra cho sản phẩm của người dân gặp nhiều khó khăn, một số diện tích người dân phải tự nhổ bỏ.
Chị Trần Thị Thanh Nhung (thôn 1, xã An Phú, thành phố Pleiku) cho biết, gia đình chị có 7 sào rau, chủ yếu là xà lách, bắp sú với chi phí đầu tư gần 40 triệu đồng. Nhưng vì dịch COVID-19 bùng phát, đến thời điểm này 3 sào bắp sú của gia đình chị coi như bỏ không thu hoạch, xà lách xuống giá 1.000 đồng/kg mua tại vườn nhưng rất ít thương lái tới mua, trong khi những năm được giá, xà lách có giá từ 7.000-10.000 đồng/kg. Nhà chị năm nay coi như không có Tết.
Tương tự cảnh “đứng ngồi” không yên của anh Trung, chị Nhung, năm nay gia đình ông Bùi Văn Đoài (phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku) cũng không xuất bán được mặt hàng hoa cúc chưng Tết.

Ông Đoài cho biết, mặc dù đã dự kiến sức mua giảm do ảnh hưởng COVID-19 nên năm nay gia đình ông chỉ dám xuống giống 500 chậu hoa cúc, các năm trước đều xuống giống 1.000-2.000 chậu. Không ngờ, dịch COVID-19 bất ngờ ập đến Gia Lai nên đến nay gia đình ông vẫn chưa xuất bán được chuyến hàng nào. Hằng năm, giá bán sỉ cho thương lái một chậu cúc giao động từ 350.000 đồng, năm nay ông Đoài giảm xuống còn 300 nhưng cũng ít thương lái đề cập lấy hàng.
"Năm nay cúc ra hoa to, đều cây rất đẹp nhưng tiếc rằng không có khách mua, chúng tôi coi như lỗ chi phí đầu tư, không tính công chăm sóc. Tình hình dịch thế này, có lẽ nhà vườn phải chủ động rao bán lẻ cho người dân." - ông Đoài tiếc nuối.
Chung tay tháo gỡ khó khăn
Trước tình cảnh người nông dân trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19 gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã có phương án, kế hoạch ứng phó, hỗ trợ người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 2/2/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai vừa ban hành kế hoạch đảm bảo việc thu mua, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trong vùng dịch COVID-19.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, cây trồng, vật nuôi, thủy sản đến thời kỳ thu hoạch phải tổ chức thu hoạch, sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Do đó, các nhà máy chế biến như nhà máy đường, nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy chế biến rau hoa quả... phải đảm bảo hoạt động liên tục để thu mua chế biến hết nông sản cho nông dân, hợp tác xã.
Việc vận chuyển nông sản ra vào vùng dịch phải được lưu thông, đảm bảo việc tiêu thụ cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, một mặt đảm bảo cung cấp lương thực cho vùng dịch COVID-19.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các siêu thị có giải pháp thu mua, tiêu thụ hết nông sản tươi sống cho nông dân, hợp tác xã ở vùng dịch COVID-19.

Cùng đó, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng có kế hoạch kéo dài thời gian thu hoạch nông sản, chờ qua dịch COVID-19 tiếp tục thu hoạch, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo quản: bảo quản khô, bảo quản lạnh nhằm tạm trữ nông sản chưa tiêu thụ được trong giai đoạn hiện nay, tránh phát sinh rủi ro, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, đối với các mặt hàng hoa và rau, củ, hàng tươi sống mà nông dân đầu tư phục vụ Tết, tỉnh Gia Lai sẽ có kế hoạch vận động cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị mua ủng hộ cho người dân nhằm giảm bớt thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra trên địa bàn. Đặc biệt, sẽ ưu tiên vận động mua ủng hộ các mặt hàng không kéo dài thời gian thu hoạch như hoa, rau.
Hy vọng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, tỉnh Gia Lai sớm khống chế được dịch COVID-19 trên địa bàn, ổn định cuộc sống của người dân, để bà con có một cái Tết yên bình./.

>>>Người trồng chuối ở Khánh Hòa thất thu vụ Tết


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục