Gia Lai xây dựng thương hiệu lúa Ba Chăm

12:22' - 17/09/2018
BNEWS Lúa Ba Chăm là giống lúa đặc sản có từ rất lâu đời ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số BahNar của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
Người dân thu hoạch lúa Ba Chăm tại xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang. Ảnh: Hoài Nam

Lúa Ba Chăm là giống lúa đặc sản có từ rất lâu đời ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số BahNar của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai; trong đó, Đăk Trôi là địa phương có diện tích lúa Ba Chăm lớn nhất và tập trung nhất nên thương hiệu giống lúa này được gắn liền với địa danh Đăk Trôi.

Toàn xã Đăk Trôi có tổng diện tích gieo trồng gần 700ha, thì riêng lúa Ba Chăm đã chiếm gần 500 ha, tập trung chủ yếu ở cánh đồng bậc thang với diện tích gần 350ha.

Theo anh Mơn, cán bộ Hội Nông dân xã Đăk Trôi khẳng định, người BahNar ở đây quen ăn loại gạo này rồi, nên chỉ trồng giống lúa Ba Chăm chứ không trồng giống lúa khác.

Lúa Ba Chăm được đồng bào BahNar nơi đây canh tác theo phương thức chọc trỉa; sinh trưởng và phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Thời gian thu hoạch 8 tháng bắt đầu từ tháng ba đến tháng mười một bước sang mùa khô Tây Nguyên, nước trong ruộng đã cạn, đây cũng là thời điểm lúa chín và bà con thu hoạch.

Điểm đặc biệt của giống lúa Ba Chăm là thân to, cao (có chân ruộng tốt, cây lúa cao gần bằng đầu người) có khả năng kháng bệnh tốt và hàm lượng dinh dưỡng cao. Gạo Ba Chăm nấu cơm dẻo, thơm, để lâu không thiu.

Theo chia sẻ của Già Bluch, già làng Đê Klong, xã Đăk Trôi, nay đã gần 70 tuổi nhưng ngay cả già lẫn những người cao tuổi trong xã cũng đều không thể xác định được nguồn gốc giống lúa Ba Chăm có từ khi nào? Chỉ biết rằng cả làng đã ăn gạo Ba Chăm từ rất lâu rồi và cho đến bây giờ cũng vẫn chỉ ăn một loại gạo này.

Sản phẩm gạo Ba Chăm được công nhận Thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam. Ảnh: Hoài Nam

Phó Chủ tịch huyện Mang Yang Lê Trọng cho biết:, giống lúa Ba Chăm được bà con gieo trồng tại một số xã phía Nam của huyện, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là Đăk Trôi. Lúa Ba Chăm được xác định là giống lúa truyền thống vô cùng quý giá và đã lưu truyền từ rất lâu, qua nhiều thế hệ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số BahNar nơi đây.

Để xây dựng thương hiệu cho gạo Ba Chăm, huyện Mang Yang đã triển khai Đề án phục tráng giống lúa này và phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ba Chăm Gia Lai xây dựng cánh đồng lớn tại xã Đăk Trôi để hình thành vùng nguyên liệu lúa tập trung, tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp.

Cùng với đó, địa phương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các thủ tục xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gạo Đăk Trôi trong năm nay, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng giá trị kinh tế và sớm đưa hạt gạo Ba Chăm đến với nhiều gia đình trên cả nước, ông Trọng cho biết thêm.

Gạo Ba Chăm còn được gọi là gạo Blat hay gạo Gor là sản vật biệt đãi của thiên nhiên, riêng tặng cho đồng bào BahNar ở xã Đăk Trôi. Đây là giống lúa truyền thống, được đồng bào BahNar chọn lọc từ ngàn đời, canh tác theo phương thức truyền thống không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học... Bởi vậy, gạo Ba Chăm là loại gạo hoàn toàn sạch, chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục