Giá lợn hơi tại Đồng Nai đang nhích lên

14:33' - 06/02/2017
BNEWS Đến trưa ngày 6/2, giá thịt lợn hơi được thương lái thu mua tại địa bàn Đồng Nai đã nhích tăng nhẹ, tiệm cận với mức giá thành chăn nuôi trên mỗi kg lợn.
Giá lợn hơi tại Đồng Nai đang nhích lên. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, đến trưa ngày 6/2, giá thịt lợn hơi được thương lái thu mua tại địa bàn Đồng Nai đã nhích lên từ 36.000 – 37.000 đồng/kg và đã tiệm cận với mức giá thành chăn nuôi trên mỗi kg lợn (giá thành trên 1kg lợn hơi từ 38.000 – 40.000 đồng).

Theo đánh giá của người chăn nuôi ở Đồng Nai, chưa có năm nào giá lợn hơi lại sụt giảm mạnh như dịp Tết Nguyên đán năm nay. Thông thường, người chăn nuôi dành nguồn hàng để bán ra trong dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay do giá lợn xuống quá thấp, có thời điểm chỉ còn 25.000 – 26.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi lỗ nặng từ 1 - 1,5 triệu đồng/1 con lợn xuất chuồng.

Nguyên nhân khiến giá lợn xuống thấp nhất trong 10 năm qua được cho là do Trung Quốc ngừng nhập lợn của Việt Nam dẫn đến lợn tồn lớn, giá sụt mạnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, hiện trên địa bàn còn tồn khoảng 400.000 con lợn có trọng lượng từ 70kg trở lên.

Đây là số lợn được người chăn nuôi chuẩn bị để phục vụ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Nhưng, do giá xuống thấp nên số lợn trên vẫn được người dân nuôi cầm chừng để chờ bán khi giá tăng.

Ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, mặc dù lượng lợn tồn còn khá nhiều, tuy nhiên số lượng lợn có trọng lượng từ 1,2 tạ - 1,6 tạ hầu như không còn. Vào khoảng đầu tháng 1/2017 khi thị trường Trung Quốc vẫn còn nhập hàng thì loại lợn có trọng lượng càng lớn càng bán được với giá cao do nhiều mỡ.

Tuy nhiên, sau khi thị trường Trung Quốc ngưng mua, người dân buộc phải bán lợn mặc dù giá thấp và chịu lỗ vì chi phí chăn nuôi và thức ăn không bù được cho giá thành.

Theo nhận định của ông Đoán, nguyên nhân khiến ngày 6/2 giá lợn hơi tăng khá mạnh (ngày 4/2 giá mỗi kg lợn hơi là 31.000 – 32.000 đồng) là do ngày đầu đi làm của lực lượng công nhân, sinh viên sau kỳ nghỉ Tết. Do đó, thị trường cần một lượng lớn thực phẩm để cung cấp cho người lao động nên giá lợn đã nhích lên 36.000 – 37.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, hiện nay do một số tập đoàn chăn nuôi nước ngoài vẫn chưa “bung hàng”, nên thương lái vẫn mua của các trang trại với giá cao. Theo ông Đoán, giá lợn hiện nay mặc dù tăng nhưng chưa bền vững mà có thể sẽ tiếp tục biến động trong những ngày tới.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện số lượng lợn ở Đồng Nai xuất bán vào thị trường Tp. Hồ Chí Minh khoảng 5.000 – 6.000 con/ngày.

Để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ số lượng lớn nguồn lợn tồn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã đề nghị các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm thu mua lợn cho người dân.

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y không tăng giá bán trong dịp này để giúp người chăn nuôi qua giai đoạn khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Thanh, người chăn nuôi tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, gia đình ông vẫn đang thấp thỏm chờ giá lợn tăng lên để bán 300 con lợn đang tồn trong chuồng.

Theo ông Thanh, hiện nay người chăn nuôi vẫn chưa dám tăng đàn vào thời điểm này vì lo sợ tiếp tục thua lỗ. Nhiều hộ sau khi giải phóng hết số lượng lợn tồn đã chủ động treo chuồng chưa dám tái đàn.

Theo đánh giá, trong các năm 2014, 2015 do giá lợn cao, nên người chăn nuôi ở Đồng Nai đã ồ ạt tăng đàn. Nếu như năm 2015 tổng đàn lợn ở Đồng Nai là khoảng 1,7 triệu con thì đến năm 2016 tổng đàn đã tăng lên khoảng 2,2 triệu con. Do không nắm bắt được nhu cầu thị trường, nên nhiều người chăn nuôi đã ồ ạt tăng đàn dẫn đến nguồn cung dư thừa./.

>>> Rà soát, quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục