Giá lợn hơi tăng, nông dân vẫn ngại tái đàn

12:40' - 02/07/2018
BNEWS Phú Thọ hiện là tỉnh có tổng đàn lợn đứng thứ 2 vùng trung du miền núi phía Bắc và đứng thứ 8 so với toàn quốc. Toàn tỉnh hiện có trên 30 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn từ 700 - 1.000 con.
Giá lợn hơi liên tục tăng mạnh trong những tháng gần đây, nhưng người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn có tâm lý sợ thua lỗ nên không mạnh dạn đầu tư tái đàn dẫn đến đàn lợn giảm mạnh, khan hiếm hàng, đẩy giá lợn thịt lên cao.

*Cẩn thận khi tái đàn

Những năm trước, gia đình ông Bùi Đức Luận, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao là hộ chăn nuôi lớn của xã, quy mô lên đến vài nghìn con. Năm 2017, khi giá lợn giảm mạnh khiến gia đình ông thua lỗ nặng. Năm 2018 dù giá lợn lên cao, nhưng gia đình ông vẫn không dám tái đàn, sợ lặp lại bài học cũ, bên cạnh đó nguồn vốn đầu tư gần như đã cạn kiệt không thể tái đàn.

Anh Nguyễn Văn Đoạt, chủ trang tại quy mô vừa xã Vĩnh Lại, Lâm Thao cho biết, dù rất nản nhưng anh vẫn cố bám nghề. Để bớt rủi ro, đầu năm 2018 anh giảm quy mô đàn lợn xuống còn một nửa, chuyển sang nuôi vịt, thêm vào đó kết hợp với trồng trọt. Trong nửa năm qua, gia đình anh đã cho xuất đi hai lứa vịt, mỗi lứa trừ chi phí đi cũng thu về 60-70 triệu đồng.

Đối với ông Lê Văn Thức, ở thị xã Phú Thọ, việc giá lợn hơi lên cao hay giảm thấp cũng không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của gia đình. Ông Thức cho biết, khác với những hộ chăn nuôi khác, ông mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi lợn theo chuỗi khép kín với quy mô lớn. Với cách này đã giúp đàn lợn khỏe mạnh, chủ động được nguồn giống, giữ được khách hàng thường xuyên.

Khi lợn thịt đạt trọng lượng 100 kg ông cho xuất chuồng, mỗi năm 2 đợt, trung bình một năm ông cũng thu về khoảng một tỷ đồng. Nuôi lâu năm trên quy mô lớn, nên sản phẩm lợn hơi của gia đình có thị trường ổn định. Sản phẩm lợn của gia đình hiện đang phối thịt cho nhiều cửa hàng, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh và không phụ thuộc vào thương lái. Vì thế, khi lợn mất giá, lợi nhuận ông thu về ít hơn nhưng không xảy ra tình trạng tồn lợn.

Theo ngành chăn nuôi Phú Thọ, giá thịt lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn liên tục tăng cao trong những tháng gần đây, từ tháng 3/2018 giá lợn hơi dao động quanh mốc 32.000 - 34.000 đồng/kg. Sang tháng 4, giá lợn bắt đầu tăng thêm khoảng 6.000- 8.000 đồng/kg với khởi điểm 40.000 đồng/kg và đến cuối tháng 6 giá lợn hơi tăng chạm mốc 48.000 - 49.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao “kỷ lục” sau hơn 1 năm trì trệ.

Tuy giá lợn lên cao, người chăn nuôi không có để bán, do thời gian qua người chăn nuôi sợ thua lỗ nên không mạnh dạn đầu tư tái đàn, dẫn đến quy mô tổng đàn tiếp tục giảm. Hiện nay, tổng đàn lợn ước đạt 738.800 con, giảm 43.000 con so tháng 4 và giảm hơn 200.000 con so với cuối năm 2017.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y, trước tình hình thị trường lợn hơi có dấu hiệu tăng đột biến trên địa bàn trong thời gian gần đây, ngành chăn nuôi tỉnh Phú Thọ khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần đề phòng sốt giá “ảo”, không nên “găm hàng” chờ giá lên cao, cần thận trọng khi tái đàn, tránh tái đàn ồ ạt dẫn tới nguy cơ thừa nguồn cung, tránh thua lỗ khi cơn sốt giá đi qua.

Ngoài ra, đợt tăng giá lần này diễn ra trong thời điểm nắng nóng, dễ phát sinh một số dịch bệnh trên đàn lợn như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn… Do vậy, các hộ chăn nuôi cần chú ý đề phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi cần chú trọng, tính toán đến việc hình thành liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm chủ động đầu ra, bảo đảm duy trì sản xuất chăn nuôi hiệu quả, bền vững, tránh rủi ro trong chăn nuôi…

*Quy hoạch ổn định đàn lợn

Giá lợn hơi tăng, nông dân vẫn ngại tái đàn. Ảnh minh họa: TTXVN

Phú Thọ hiện là tỉnh có tổng đàn lợn đứng thứ 2 vùng trung du miền núi phía Bắc và đứng thứ 8 so với toàn quốc. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có trên 30 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn từ 700 - 1.000 con và trên 3.500 gia trại chăn nuôi lợn. Các trang trại, gia trại tập trung chủ yếu ở một số địa phương có lợi thế, tiềm năng phát triển chăn nuôi lợn với tổng đàn lớn như: huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ.

Phương thức chăn nuôi lợn cũng đã có sự thay đổi khá rõ rệt trong những năm gần đây, chuyển từ chăn nuôi tận dụng sang nuôi bán công nghiệp hoặc công nghiệp; chăn nuôi trang trại, gia trại ngày một tăng lên. Chăn nuôi lợn hiện đang chiếm 65% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng với quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật chăn nuôi thấp hiện vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng sản phẩm thịt không đồng đều, sức cạnh tranh không cao. Tính liên kết trong phát triển kinh tế trang trại chưa cao, chưa hình thành liên vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, qua thực tế tại các địa phương cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá lợn sụt giảm thấp thời gian qua một phần là do trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất của hầu hết các chủ trang trại còn nhiều hạn chế; việc tuyên truyền, nắm bắt thông tin thị trường còn chưa kịp thời, Sản phẩm chăn nuôi của các trang trại làm ra chủ yếu là sản phẩm thô, tiêu thụ qua các thương lái nên thường bị ép giá, dẫn đến việc giá xuất bán thấp và không ổn định. Thị trường tiêu thụ thịt đa số vẫn qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Để ổn định phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, theo bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề quan trọng nhằm sắp xếp chăn nuôi theo quy hoạch đồng bộ, phát triển chăn nuôi thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Hiện ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang cùng với các địa phương tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, sản xuất khép kín, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi phát triển đa dạng các phương thức chăn nuôi, thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với thị trường và tránh rủi ro; đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ; thu hút công ty, doanh nghiệp đến thu mua và bao tiêu sản phẩm, nhằm tạo chuỗi sản xuất liên hoàn từ khâu chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, để chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng có thể phát triển một cách bền vững, điều quan trọng nhất là các địa phương phải xây dựng quy hoạch đất đai, định hướng đất đai vùng chăn nuôi công nghiệp, tập trung; chú trọng chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang phát triển trang trại chăn nuôi. Việc quy hoạch trang trại chăn nuôi cần gắn với đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến; sử dụng giống có chất lượng tốt; thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo chất lượng; chú trọng xây dựng chuồng trại thiết bị tiên tiến.

Một giải pháp quan trọng không thể thiếu đó là cần quan tâm đến đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho các chủ trang trại; thường xuyên tuyên truyền về thông tin thị trường, giá thịt lợn hiện nay cho người chăn nuôi biết để có hình thức chăn nuôi hiệu quả, tránh bị ép giá. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng phải tự trau dồi kiến thức, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu cho tiêu dùng nội địa và yêu cầu của các nước …/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục