Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng

17:08' - 22/10/2023
BNEWS Giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất đã lên tới 8.550 đồng/kg, giá bình quân là 8.321 đồng/kg, tăng 193 đồng/kg.

Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục tăng. Cùng với đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng lên đạt từ 625 - 630 USD/tấn so với mức từ 615 - 625 USD/tấn vào tuần trước đó.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất đã lên tới 8.550 đồng/kg, giá bình quân là 8.321 đồng/kg, tăng 193 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 125 đồng/kg, ở mức 9.475 đồng/kg; giá cao nhất là 9.850 đồng/kg.

 
Giá các mặt hàng gạo có sự tăng tốt hơn so với giá lúa. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 15.400 đồng/kg, giá bình quân 15.129 đồng/kg, tăng 493 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 15.200 đồng/kg, giá bình quân 14.858 đồng/kg, tăng 433 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 15.000 đồng/kg, giá bình quân 14.533 đồng/kg, tăng 383 đồng/kg.

Giá gạo xát trắng loại 1 tăng 575 đồng/kg, giá trung bình là 15.288 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 tăng mạnh nhất với 604 đồng/kg, trung bình là 13.238 đồng/kg.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như: OM 18 ở mức từ 8.000 - 8.300 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 8.200 – 8.400 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá từ 8.600 - 8.800 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; OM 5451 từ 8.000 – 8.200 đồng/kg, IR 50404 từ 8.000 – 8.200 đồng/kg đều tăng 200 đồng/kg; riêng lúa Nhật vẫn ổn định từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang khô ổn định ở mức từ 9.000 - 9.200 đồng/kg, nếp Long An khô dao động 9.200 - 9.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 12.000 - 14.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000 - 18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.000 đồng/kg…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong lúa Hè Thu. Đến giữa tháng 10, các địa phương trong vùng cũng thu hoạch 243.000 ha, chiếm trên 28% diện tích lúa Thu Đông gieo trồng.

Cùng với đó, các địa phương Nam Bộ cũng đã gieo trồng lúa Đông Xuân 2023-2024 đạt gần 92.000 ha, đang tập trung ở giai đoạn mạ. Diện tích gieo cấy phân bố chủ yếu tại các tỉnh Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Về xuất khẩu, tuần qua giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên đạt từ 625 - 630 USD/tấn so với mức từ 615 - 625 USD/tấn vào tuần trước đó.

Một thương nhân ở Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngoài các yếu tố như nhu cầu của thị trường toàn cầu cao và căng thẳng ở Trung Đông, giá gạo của Việt Nam tăng khi vụ thu hoạch Hè Thu đã kết thúc.

Trong khi đó, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ ghi nhận tuần sụt giảm thứ ba liên tiếp do nhu cầu yếu, xuất phát từ việc Chính phủ nước này gia hạn thuế xuất khẩu 20% đến tháng 3/2024.

Trong tuần qua, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đứng ở biên độ 510 - 520 USD/tấn, so với mức từ 515 - 525 USD/tấn vào tuần trước đó.

Ấn Độ đã thông báo gia hạn mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu tới tháng 3/2024 (theo kế hoạch ban đầu, mức thuế này sẽ hết hạn vào ngày 15/10). Tuần trước đó, các thương gia dừng mua gạo để chờ xem liệu Chính phủ Ấn Độ có cho phép xuất khẩu gạo miễn thuế sau ngày hết hạn không, hay sẽ gia hạn áp dụng mức thuế trên. Ông Akash Jhunjhunwala, đại diện một nhà xay xát gạo có trụ sở tại Lucknow, Uttar Pradesh (Ấn Độ) cho biết, trong tuần qua, sau khi thông tin về thuế chính thức được đưa ra, một số nhà giao dịch bắt đầu nối lại hoạt động mua vào, nhưng nhu cầu vẫn thấp hơn nhiều so với bình thường.

Bên cạnh thông báo về thuế xuất khẩu gạo đồ, Chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ duy trì giá sàn đối với gạo basmati cho đến khi có thông báo mới, trong bối cảnh nước này tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo.

Còn tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm trong tuần này cũng đã giảm về  biên độ 575 - 580 USD/tấn, từ mức giá kỷ lục là từ 580 - 600 USD/tấn vào tuần trước.

Tại Bangladesh, các quan chức nước này cho biết Chính phủ quyết định tăng giá thu mua gạo của nông dân trong vụ thu hoạch sắp tới.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá đậu tương trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đang hướng tới tuần tăng thứ hai, do tình trạng hạn hán ở Brazil, nhà xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, hỗ trợ xu hướng giá tăng, mặc dù thị trường vừa được bổ sung nguồn cung dồi dào từ vụ mùa thu hoạch mới ở Mỹ.

Trong phiên giao dịch ngày 20/10, giá đậu tương và giá ngô gần như không đổi, trong khi giá lúa mỳ tiến đến tuần tăng thứ ba liên tiếp. Cụ thể, khép phiên, giá lúa mỳ tăng 0,8%, lên 5,985 USD/bushel, giá ngô không đổi ở mức 5,05 USD/bushel và giá đậu tương giảm 0,5 xu USD, xuống còn 13,15 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Một thương nhân có trụ sở tại Singapore cho biết việc vận chuyển ngũ cốc bị gián đoạn ở Brazil do mực nước sông thấp ảnh hưởng đến giao thông vận tải và tình trạng thiếu mưa đã hỗ trợ giá đậu tương hướng tới mức tăng 2,7% trong cả tuần này.

Theo dự báo mới nhất của Liên hợp quốc, hiện tượng thời tiết El Nino sẽ kéo dài ít nhất đến nửa đầu năm 2024, với lượng mưa bất thường trên khắp Mỹ Latinh làm dấy lên lo ngại về nền nông nghiệp của khu vực này.

Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi tăng. Giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 1/2024 tăng 77 USD, lên 2.479 USD/tấn và cà phê Robusta giao tháng 3/2024 tăng 79 USD, lên 2.422 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất lớn.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2023 tăng thêm 1,30 xu Mỹ, lên 165,25 xu USD/lb và cà phê Arabica giao tháng 3/2024 tăng 2,60 xu USD, lên 164,40 xu USD/lb.

Tại các tỉnh Tây nguyên, giá cà phê nhân xô tăng 1.400 – 1.500 đồng, lên dao động trong khung 59.300 – 59.900 đồng/kg./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục