Gia tăng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol

07:54' - 03/02/2023
BNEWS Thời gian gần đây, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol có chiều hướng gia tăng.

Chỉ vài ngày sau Tết nguyên đán, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho gần chục ca ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Đáng chú ý nguồn gốc của hóa chất cồn công nghiệp methanol đa dạng, không chỉ từ các tỉnh phía Bắc mà còn ở cả phía Nam. Các ca bệnh đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong.

 

Kết quả xét nghiệm vụ ngộ độc rượu của 7 người tại Thái Bình mới đây cho thấy, họ đã cùng uống loại rượu mà kết quả xét nghiệm phần rượu còn lại có tới 58% là methanol - tức là cồn công nghiệp, chỉ có 1% là ethanol - rượu thông thường. Như vậy, đây là một loại rượu “rởm” được tạo ra từ cồn công nghiệp đã pha loãng một phần.

Trong vụ ngộ độc này, anh N.V.M là trường hợp nhập viện đầu tiên bị hôn mê, tụt huyết áp, co giật, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu tới 134 mg/dL. Hiện bệnh nhân vẫn đang hôn mê, phải lọc máu cấp cứu, dùng thuốc giải độc, tiên lượng rất nặng, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết.

Sau khi được tư vấn, 4 người khác cùng tham gia bữa rượu hôm đó đã được kiểm tra tại Trung tâm chống độc cho thấy, 2 người có nồng độ cồn methanol trong máu cao, bắt đầu gây rối loạn trong máu, 2 người cùng đi có nồng độ cồn thấp ở mức không ảnh hưởng sức khỏe. May mắn 2 bệnh nhân tiếp theo này đã được nhập viện cấp cứu kịp thời, được lọc máu cấp cứu và dùng thuốc giải độc, tránh được các hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, còn 2 người nữa vẫn chủ quan không tới Trung tâm chống độc kiểm tra hoặc gửi máu tới xét nghiệm.

Lý giải cho hiện tượng có nồng độ cồn công nghiệp methanol trong máu cao mà chưa có biểu hiện ngộ độc, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết: “Methanol khi vào cơ thể cần được cơ thể chuyển hóa thành axit formic, đây là chất gây tổn thương não, mù mắt và một loạt hậu quả khác. Quy trình chuyển hóa gây độc của methanol lại chậm, sẽ càng đặc biệt chậm khi trong máu có cả thành phần rượu thông thường là ethanol, do ethanol cạnh tranh chuyển hóa với cồn nghiệp methanol.

Thực tế này hay gặp ở Việt Nam khi uống rượu “rởm” chứa cồn công nghiệp methanol pha trộn với rượu thông thường là ethanol, hoặc sau uống rượu rởm lại uống tiếp các bữa rượu thông thường. Tuy nhiên, cồn công nghiệp methanol cũng được đảo thải rất chậm, kết hợp với chuyển hóa bị chậm nên chất độc cứ tồn tại trong cơ thể tới hàng tuần sau và nguy cơ gây tổn thương mắt và não ở nhiều ngày sau nếu không được điều trị”.

Trong các bệnh nhân ngộ độc methanol đang điều trị tại Trung tâm, có bệnh nhân nam (52 tuổi) do nghiện rượu nên thường giấu gia đình ra hiệu thuốc mua cồn y tế để uống. Nhưng trước đó 3 ngày, ông thấy tự nhiên mắt tối sầm, gần như không nhìn thấy gì. Sau khi đi khám mắt thì được chuyển vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, xét nghiệm thấy nồng độ methanol ở mức cao, phải lọc máu cấp cứu. Chai cồn gây ngộ độc là loại dùng để lau kính, làm nhiên liệu mà bệnh nhân đã mua ở hiệu thuốc.

Không may mắn bằng bệnh nhân nam trên, bệnh nhân nam (46 tuổi, ở Vĩnh Phúc), nhập viện đêm 29/1/2023, sau khi uống cồn sát trùng mua ở hiệu thuốc đã bị ngộ độc, hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương não nặng và đã tử vong sau nhập viện một hôm.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axit formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

“Trong những ngày Tết, khi bệnh nhân đã uống phải rượu chứa cồn công nghiệp methanol nhưng lại uống tiếp các bữa rượu thông thường thì do hiện tượng ethanol làm trì hoãn việc gây độc của methanol, sẽ không thể biết lúc nào tình trạng ngộ độc methanol mới phát tác và chắc chắn sẽ bị ngộ độc.

Vấn đề khó là khi tình trạng ngộ độc xuất hiện chậm sau nhiều ngày thì rất dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác như bệnh mắt, bệnh khó thở, tai biến mạch não,… dẫn tới bị bỏ sót và chữa muộn, chữa không đúng, dẫn tới bị tử vong hoặc di chứng mù, hôn mê đáng tiếc”, Tiến sĩ Nguyên chia sẻ.

Chuyên gia chống độc khuyến cáo, người dân nên hạn chế uống rượu tối đa và khi mua rượu uống hoặc mua cồn sát trùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đảm bảo, thông tin trên nhãn mác cụ thể và đầy đủ về thành phần, công dụng và thông tin nhà sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục