Gia tăng tình trạng làm giả thẻ lưu trú Nhật Bản cho lao động nước ngoài

17:24' - 16/05/2019
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, mua bán thẻ lưu trú giả dành cho người nước ngoài nhằm mục đính lao động, cư trú bất hợp pháp đang ngày một tăng tại Nhật Bản.

Trong đó, các đối tượng làm thẻ cư trú giả chủ yếu là người Trung Quốc, đối tượng mua là người nước ngoài đến từ nhiều nước.

Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản năm 2018 có 438 người nước ngoài bị bắt do sử dụng hoặc cung cấp thẻ lưu trú giả, tăng 1,6 lần so với năm 2017 (266 trường hợp). 

Tháng 1/2019, Cục quản lý nhập cư Tokyo đã phát hiện một cơ sở làm giả thẻ lưu trú tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitaima và thu giữ khoảng 2.300 thẻ lưu trú giả vẫn để trống thông tin.

Trong tháng 2, cảnh sát tỉnh Aichi, Nhật Bản cũng phát hiện cơ sở làm giả thẻ lưu trú tại một chung cư thuộc quận Minato, thành phố Osaka.

Tại đây, cảnh sát đã thu giữ hơn 600 thẻ lưu trú giả và bắt giữ một người đàn ông Trung Quốc 34 tuổi. Đối tượng này khai đã làm giả khoảng 6.000 thẻ lưu trú, được bán thông qua mua giới bằng cách gửi thông tin, ảnh của người cần mua qua e-mail.

Sau đó, thẻ lưu trú giả được chuyển tới người mua chỉ trong vòng 2 ngày. Người mua sẽ phải trả trung bình 20.000 yen (khoảng 200 USD) cho một thẻ lưu trú giả. Gần đây nhất, ngày 24/4, cảnh sát tỉnh Aichi cũng bắt giữ 2 người đàn ông Trung Quốc làm giả và bán thẻ lưu trú.

Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, trước đây, những cơ sở làm giả thẻ lưu trú chủ yếu ở nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm đa số. Tuy nhiên, những năm gần đây, các cơ sở làm giả này có xu hướng dịch chuyển vào Nhật Bản.

Nguyên nhân được cho ngoài việc tránh bị hải quan ở cửa khẩu kiểm tra phát hiện, còn do nhu cầu từ người mua muốn nhanh chóng có thẻ lưu trú giả để cư trú và lao động bất hợp pháp. Kỹ thuật làm giả ngày càng tinh vi và rất khó để phân biệt với thẻ lưu trú thật nếu không kiểm tra kỹ lưỡng.

Trước thực trạng trên, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã ra thông cáo yêu cầu chủ lao động kiểm tra kỹ thẻ lưu trú trước khi tiếp nhận lao động nước ngoài. Bộ này cũng đưa ra các phương pháp phân biệt thẻ lưu trú thật và thẻ lưu trú giả như chữ MOJ – tên viết tắt của Bộ Tư pháp Nhật Bản được in trên thẻ có thiết kế 3D phản xạ ánh sáng khi nhìn nghiêng. Ngoài ra, trên trang web của Bộ có mục tra cứu thẻ lưu trú, chỉ cần nhập số thẻ, thông tin về thời hạn lưu trú sẽ hiện ra.

Thẻ lưu trú được cấp cho người nước ngoài cư trú ở Nhật Bản từ 3 tháng trở lên. Trên thẻ có các thông tin như ảnh, họ tên, quốc tịch, ngày nhập cảnh, ngày hết hạn nhập cảnh, địa chỉ và tư cách cư trú khi ở Nhật Bản (đi làm, phụ thuộc, sinh viên...).

Dựa trên thông tin thẻ lưu trú, chủ sử dụng lao động sẽ xác nhận thuê lao động đó có hợp pháp không. Đây là cách mà Nhật Bản sử dụng để quản lý người nước ngoài./.

>> Việt Nam và Nhật Bản sắp ký hợp tác về lao động kỹ năng đặc thù

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục