Giá tiêu ngày 15/7: Chững lại phiên cuối tuần?

21:00' - 14/07/2023
BNEWS BNEWS. Giá tiêu ngày 15/7 có thể đi ngang ở các khu vực trọng điểm. Hiện giá tiêu dao động trong khoảng 67.000 – 70.000 đồng/kg.

Nhìn lại thị trường tiêu ngày 14/7, giá tiêu tại thị trường trong nước chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Theo đó, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu được thương lái thu mua quanh mốc 67.000 – 68.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) được thương lái thu mua ở mức 67.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk giá tiêu duy trì mức giá 68.000 đồng/kg. Giá tiêu Đắklắk hôm nay và giá tiêu tại Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 68.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam bộ giá tiêu hôm nay cũng duy trì ổn định so với hôm qua. Hiện giá tiêu tại khu vực này đang được thu mua quanh mốc từ 68.500 – 70.000 đồng/kg.

Trong đó, tại Đồng Nai, giá tiêu ở mốc 68.500 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá tiêu ở mức 69.000 đồng/kg. Giá tiêu Bà Rịa Vũng Tàu vẫn có giá cao nhất và hôm nay được thương lái thu mua ở mức 70.000 đồng/kg.

Dưới đây là bảng giá tiêu trong nước ngày 14/7. Đơn vị: đ/kg 

Tỉnh/huyện (khu vực khảo sát)Giá thu mua (Đơn vị: đồng/kg)Thay đổi so với hôm qua (Đơn vị: đồng/kg)
Đắk Lắk68.000-
Gia Lai67.000-
Đắk Nông68.000-
Bà Rịa - Vũng Tàu70.000-
Bình Phước69.000-
Đồng Nai68.500-

Giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt 76,39 triệu USD, giảm 13,14 triệu USD (tức 14,62%) so với tháng trước và giảm 23,18 triệu USD (tương đương 23,20%) so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế khối lượng xuất khẩu tiêu 6 tháng đầu năm 2023 đạt tổng cộng 152.678 tấn tiêu các loại, tăng 29.123 tấn (tương đương 23,57%) so với khối lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022. Nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt tổng cộng 483,17 triệu USD, giảm 76,54 triệu USD (tương đương 13,68 %) so với cùng kỳ.

Có thể thấy, mục tiêu hồ tiêu trở thành ngành hàng tỷ USD năm nay nhiều khả năng không đạt được. Khối lượng xuất khẩu nửa đầu năm đã tăng mạnh do Trung Quốc tăng cường thu mua. Hiện sức mua từ Trung Quốc giảm cộng với hàng hồ tiêu vụ mới của Indonesia sắp ra thị trường.

Hình thái trên có thể khiến thị trường hồ tiêu nội địa ảm đạm trong quý III/2023. Tuy nhiên, đà tăng hay giảm của thị trường còn phụ thuộc nhiều vào thực tế vụ thu hoạch năm nay của Indonesia và sức mua từ các nhà nhập khẩu Âu - Mỹ.

Dự báo trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục bị Brazil cạnh tranh rất lớn về giá trên thị trường. Đó là chưa kể đến việc Brazil có thể tăng nhanh sản lượng, có nhiều vườn tiêu mới trong khi tiêu của Việt Nam đang ở vào giai đoạn khai thác vườn lâu năm.

Nếu giá tiêu không đủ cạnh tranh với các loại cây trồng khác để khuyến khích trồng mới, tái canh và tăng diện tích thì dự báo sản lượng tiêu Việt Nam những năm tới có thể giảm.

Với tâm lý chờ đơn hàng từ thị trường như hiện nay, VPA khuyến cáo doanh nghiệp cần cân nhắc và tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa, với giá thấp.

Nguyên nhân là khi vào vụ thu hoạch, giá tiêu các nước sẽ hạ xuống nhưng đến thời điểm doanh nghiệp cần giao hàng thì giá đã tăng, không mua đủ để giao sẽ gặp rủi ro và tổn thất như đã xảy ra trong vụ mùa 2022, ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm kiếm thị trường mới, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và đăng ký sớm để có vị trí tốt, kết nối với khách hàng trước sự cạnh trạnh của các nước sản xuất khác như Brazil, Indonesia, Sri Lanka...

Thị trường hồ tiêu thế giới

Trên thị trường thế giới, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cập nhật và niêm yết mức giá tăng với tiêu Indonesia. Theo đó, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.713 USD/tấn, tăng 0,51%; Giá tiêu trắng Muntok 6.429 USD/tấn, tăng 0,53%.

Với các quốc gia còn lại, giá đi ngang. Theo đó, giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.050 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, nhập khẩu hồ tiêu của quốc gia này trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 8.767 tấn, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu từ Sri Lanka và Việt Nam - hai thị trường cung cấp lớn nhất đều giảm mạnh hơn 50%, đạt lần lượt 2.549 tấn và 2.297 tấn.

Có thể thấy, Ấn Độ nhập khẩu hồ tiêu một phần để đáp ứng cho tiêu thụ trong nước và một phần chế biến, tái xuất sang các quốc gia khác.

Tuy nhiên, nhu cầu từ thị trường thế giới chậm lại khiến các hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu của Ấn Độ cũng giảm theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục