Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần

17:24' - 25/01/2024
BNEWS * Giá vàng trượt xuống mức thấp một tuần

Giá vàng dao động gần mức thấp nhất trong một tuần trong phiên giao dịch chiều 25/1, do đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.

Thị trường đang tập trung theo dõi cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Mỹ công bố số liệu GDP vào cuối ngày.

Giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 2.014,89 USD/ounce vào lúc 14 giờ 04 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống 2.014,90 USD.

Chỉ số đồng USD ổn định gần mức cao nhất trong 6 tuần, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác. Trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giao dịch gần mức cao nhất trong hơn 1 tháng là 4,1980% hồi tuần trước.

 
Chuyên gia phân tích thị trường tài chính Kyle Rodda tại Capital.com nhận định rằng vẫn có khả năng Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024 và thông tin này sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường vàng.

Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi Mỹ công bố số liệu tăng trưởng GDP quý IV/2023 trong ngày 25/1, số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân vào ngày 26/1 và quyết định chính sách lãi suất của ECB.

* Giá dầu tăng do dự trữ dầu thô Mỹ giảm

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch chiều 25/1 sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, trong khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng nhằm củng cố hy vọng về các biện pháp kích thích phục hồi kinh tế.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 41 xu Mỹ (0,5%) lên 80,45 USD/thùng vào lúc 14 giờ 30 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 44 xu Mỹ (0,6%) lên 75,53 USD/thùng.

Nhà phân tích Toshitaka Tazawa tại Fujitomi Securities, cho biết: “Dự trữ dầu mỏ của Mỹ giảm đáng kể và kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng như nhiều biện pháp kích thích khác đã hỗ trợ giá dầu”. Ông cũng cho biết thêm căng thẳng ở Trung Đông cũng là nguyên nhân khiến giá dầu tăng.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 9,2 triệu thùng trong tuần trước, gấp hơn 4 lần mức giảm 2,2 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.

PBoC tuyên bố cắt giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng vào thứ Tư (24/1), đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 140 tỷ USD tiền mặt được bơm vào hệ thống ngân hàng và gửi tín hiệu mạnh mẽ về sự hỗ trợ nền kinh tế yếu ớt cùng thị trường chứng khoán xuống dốc.

* Thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) tăng ngày thứ ba liên tiếp

Thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) đi lên trong phiên chiều 25/1 khi các nhà giao dịch chờ đợi những cam kết kích thích nền kinh tế từ các quan chức Trung Quốc.

Trong phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đi ngang ở mức 36.236,47 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,0% lên 16.211,96 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 3,0% lên 2.906,11 điểm.

Thị trường Sydney, Seoul, Wellington và Đài Bắc (Trung Quốc) đều tăng điểm, trong khi Singapore, Mumbai, Bangkok, Jakarta và Manila giảm điểm.

Chuyên gia Kerry Craig của JPMorgan Asset Management lưu ý rằng Trung Quốc vẫn là trọng tâm của thị trường và cần phải theo dõi sát sao những biến động mới. Có khả năng sẽ có một đợt phục hồi trong thời gian ngắn nếu có những thông báo chính sách tiếp theo được đưa ra”.

Tuy nhiên, có những cảnh báo rằng Chính phủ Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để khôi phục niềm tin vào nền kinh tế số hai thế giới, vốn đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu hàng hóa ở nước ngoài yếu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục