Giá vàng thế giới tăng tốc sau số liệu việc làm của Mỹ

12:48' - 03/02/2024
BNEWS Đà tăng liên tiếp từ đầu tuần đã giúp thị trường vàng thế giới khép lại một tuần đi lên, bất chấp việc để tuột mốc 2.060 USD/ounce vào cuối tuần, sau khi tiếp nhận báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ.

Đầu tuần này, giá vàng liên tục đi lên, khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn. Ngoài ra, đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm cũng làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản không sinh lời.

 

Mặc dù nhận định của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell làm giảm bớt những kỳ vọng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024, khiến giá vàng thế giới đảo chiều đi xuống trong phiên 31/1, song mặt hàng kim loại quý này đã nhanh chóng lấy lại được đà tăng trong phiên giao dịch liền sau đó, gần chạm mức cao nhất trong một tháng.

Giá vàng giảm vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/2, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng sau báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ, làm giảm khả năng Fed sớm hạ lãi suất.

Cụ thể, chốt phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay giảm 0,8%, xuống mức 2.038,59 USD/ounce. Tuy nhiên, giá kim loại này đã tăng gần 1% trong tuần qua và neo trên mức quan trọng 2.000 USD/ounce kể từ đầu năm.

Giá vàng giao kỳ hạn cũng giảm 0,8% phiên 2/2, xuống mức 2.053,7 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD tăng 0,9% phiên này, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng.

Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 353.000 việc làm trong tháng 1/2024, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 180.000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế. Một nền kinh tế kiên cường và năng suất lao động mạnh mẽ đã khuyến khích các doanh nghiệp thuê và giữ chân nhiều nhân sự hơn, một xu hướng có thể bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi suy thoái trong năm nay.

Còn theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/1, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của nước này đã tăng trở lại trong tháng 12/2023, song mức lạm phát hàng năm vẫn được duy trì dưới 3% tháng thứ ba liên tiếp, có thể cho phép Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Chỉ số PCE, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 0,2% trong tháng 12/2023, sau khi giảm 0,1% trong tháng 11. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 12/2023, chỉ số PCE đã tăng 2,6%, tương đương với mức tăng của tháng 11.

Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, chỉ số PCE lõi đã tăng 0,2% trong tháng 12, sau khi tăng 0,1% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi của Mỹ đã tăng 2,9%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021, sau khi tăng 3,2% trong tháng 11.

Lạm phát chậm lại đang thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình, giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,7% trong tháng 12/2023, sau khi tăng 0,4% trong tháng 11. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng tổng thể tăng 0,5% trong tháng 12, tương đương với mức tăng của tháng 11.

Trước đó, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy PCE lõi đã tăng 2,0% trong quý IV/2023, tương đương với mức tăng của quý III. Mặc dù thị trường tài chính hiện đã giảm xác suất Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tháng 3/2024 xuống dưới 50%, song các chuyên gia kinh tế vẫn dự báo chi phí cho vay dự kiến sẽ giảm vào tháng 6. Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25% - 5,50% sau cuộc họp vào tuần tới.

Các nhà phân tích nhận định, đầu tư vốn của các nhà sản xuất Mỹ có thể sẽ giảm tốc trong năm 2024 sau một năm đầu tư mạnh mẽ cho các nhà máy do chi phí đi vay vẫn tăng cao và những lo ngại về nhu cầu đã làm dịu đi mong muốn nâng cấp hoạt động của các nhà máy.

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ, đầu tư cho các các cơ sở sản xuất năm 2023 đã tăng gần 63%, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1951. Nguyên nhân là do các công ty tận dụng các ưu đãi của liên bang và bù đắp chi tiêu trả chậm trong thời kỳ đại dịch khi chuỗi cung ứng thiếu ổn định. Các nhà sản xuất đã tập trung nâng cấp công nghệ để nâng cao năng suất như tự động hóa, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Đạo luật CHIPS và Khoa học cũng thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn với mức tăng đầu tư cho các nhà máy sản xuất chíp bán dẫn tăng 122% kể từ cuối năm 2022. Việc các nhà đầu tư quan tâm đến AI và vũ trụ ảo (metaverse) khiến tiêu thụ các sản phẩm bán dẫn dự kiến cũng sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế tổng thể của Mỹ sẽ chậm lại trong năm 2024 - trung bình 1,5% so với 2,5% năm 2023. Viện Quản lý Cung ứng cũng dự kiến chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong năm 2024 sẽ chỉ tăng 12% trong năm 2024 so với 15% năm 2023.

Năm 2024, kinh tế Mỹ còn đối mặt với tình trạng số đơn hàng thấp do nhu cầu nước ngoài ảm đạm, sự dịch chuyển chi tiêu sang lĩnh vực dịch vụ. Vì vậy, dự kiến các nhà sản xuất sẽ tiếp tục đầu tư nhưng với tốc độ gia tăng thấp hơn. Theo S&P Global Market Intelligence, đầu tư cho các nhà máy năm 2024 sẽ vào khoảng 54 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ so với mức 50,6 tỷ USD năm 2023.

Về phần mình, ông Tai Wong, chuyên gia phân tích độc lập tại New York, nhận định: “Với mức giảm chưa đến 1% kể từ khi có dữ liệu việc làm cho thấy thị trường vàng vẫn đang đứng vững”.

Theo công cụ CME Fed Watch, nhà đầu tư hiện dự báo xác suất 78% Mỹ sẽ hạ lãi suất vào tháng 5/2024, thấp hơn so với dự báo xác suất 92% trước khi có dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ. Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này đã bác bỏ ý tưởng hạ lãi suất trong mùa Xuân, nhưng bày tỏ tin tưởng rằng lạm phát sẽ quay lại mức mục tiêu 2%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục