“Giấc mơ” tiết kiệm cho nước Mỹ của tỷ phú Elon Musk

06:30' - 10/11/2024
BNEWS Sự “thiên vị” của người giàu nhất hành tinh và là người đứng đầu mạng xã hội có ảnh hưởng toàn cầu là đòn bẩy vô giá trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

 

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Theo nhận định của một số nhà quan sát, thành công của ông Trump có sự đóng góp không nhỏ của tỷ phú Elon Musk – nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) của hãng xe điện Tesla và CEO của nền tảng mạng xã hội X. Tỷ phú Musk đã công khai ủng hộ ông Trump. Sự “thiên vị” của người giàu nhất hành tinh và là người đứng đầu mạng xã hội có tầm ảnh hưởng toàn cầu – mạng X được hơn 100 triệu người ở Mỹ sử dụng và theo dõi - là đòn bẩy vô giá trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay.

Là đồng minh quan trọng và rõ ràng nhất của ông Trump trong giới kinh doanh, sự ủng hộ công khai của ông Musk dành cho ứng cử viên đảng Cộng hòa hứa hẹn sẽ đem về những phần thưởng lớn khi ông Trump đắc cử. Tỷ phú Musk có thể sẽ trở thành người đứng đầu Ủy ban “tiết kiệm” của Chính phủ Mỹ trong thời gian tới.

Những gì đã và đang xảy ra cho thấy, tỷ phú Musk biết cách đưa ra lời hứa tốt hơn bất kỳ chính trị gia dày dạn kinh nghiệm nào. Vì vậy, trước khi kết thúc chiến dịch bầu cử, ông đã tuyên bố rằng có thể tiết kiệm được 2.000 tỷ USD cho ngân sách liên bang. Vậy tỷ phú Musk muốn tiết kiệm số tiền gần bằng 1/3 chi tiêu của Chính phủ Mỹ hiện tại bằng cách nào?

 
Câu trả lời có thể được tìm thấy trong tuyên bố của nhà tỷ phú này tại một cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Quảng trường Madison vào cuối tháng 10/2024. Theo đó ông Musk nhấn mạnh ông sẽ có cách để “chính phủ không làm phiền cũng như không lấy tiền từ túi của người dân”. Khi ông Howard Lutnick, một tỷ phú khác của Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, hỏi về cách tiết kiệm ngân sách, ông Musk đưa ra một ý kiến mang tính đột phá. Đó là, tiền của người dân đang bị lãng phí và Ủy ban “tiết kiệm” của Chính phủ cần phải khắc phục điều này.

Cường điệu và đưa ra những lời hứa vô căn cứ là điều thường thấy trong những giai đoạn “cao trào” của các chiến dịch tranh cử, nhưng ông Musk đã thể hiện đặc biệt xuất sắc trong vấn đề này. Lời hứa cắt giảm thuế mạnh mẽ của ông Trump, theo các phân tích độc lập, sẽ làm tăng khoản nợ của Mỹ thêm 10.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Mức thâm hụt lớn như vậy làm tăng lo ngại của một số cử tri vốn đã khá nản lòng về khoản nợ liên bang trị giá 36.000 tỷ USD hiện tại. Nếu tỷ phú Musk có thể cắt giảm chi tiêu chính phủ khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm, thì cử tri Mỹ sẽ không có gì phải lo lắng và nguồn tài chính liên bang sẽ đạt thặng dư.

Vấn đề là hơn một nửa chi tiêu liên bang là bắt buộc, tức là chắc chắn được đưa vào ngân sách. Do đó, việc cắt giảm đáng kể sẽ đòi hỏi một cuộc cách mạng về lập pháp. Và nếu điều đó xảy ra, chắc chắn Chính phủ Mỹ cũng sẽ phải cắt giảm những khoản mà cử tri không muốn, trong đó có khoảng 4.000 tỷ USD dành cho lương hưu, người lớn tuổi và người khuyết tật, cũng như chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ. Theo quan điểm của ông Trump, nước Mỹ không nên cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Do đó, việc giảm chi tiêu 2.000 tỷ USD theo như những gì mà tỷ phú Musk hứa hẹn sẽ chỉ là điều viển vông.

Ông Trump đã khôn khéo không đi sâu vào chi tiết khi chỉ nhắc lại rằng ông Musk rất giỏi trong việc cắt giảm chi phí. Điều đó đúng, nếu không thì các công ty của vị tỷ phú này đã không thành công như vậy. Thực tế, ông Musk đã chứng minh khả năng giảm chi phí hiệu quả nhất tại X, tức là Twitter trước đây, bằng cách sa thải một loạt nhân viên sau khi chính thức lên nắm quyền kiểm soát. X đã tinh gọn hiệu quả, nhưng cái giá phải trả là nền tảng này không thể đáp ứng một số điều kiện mà các chính quyền địa phương nơi mạng xã hội này có sự hiện diện yêu cầu. Sau chiến thắng của ông Trump, có lẽ X sẽ không gặp rắc rối về quy định tại Mỹ, nhưng công ty vẫn không thể tránh khỏi gặp rắc rối ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới.

Không thể chối cãi rằng việc cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu mà tỷ phú Musk mơ ước sẽ ảnh hưởng đến chức năng của bộ máy Chính phủ Mỹ cũng như toàn bộ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cách vận hành một doanh nghiệp tư nhân và nghĩa vụ của nhà nước do pháp luật quy định là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau và đó có thể là lý do chính dẫn đến sự thất bại trong nỗ lực của tỷ phú Musk.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục