Giải bài toán cho trạm thu phí Quốc lộ 5 ở Hưng Yên

19:55' - 08/09/2017
BNEWS Ngày 8/9, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã họp bàn đưa ra các giải pháp tháo gỡ.
Tài xế lái xe trả phí khi đi qua trạm thu phí BOT số 1 Quốc lộ 5 (Huyện Văn Lâm, Hưng Yên) bằng tiền với mệnh giá 500 đồng gây ùn tắc giao thông. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Liên quan đến hiện tượng các xe ô tô phản đối trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5 qua địa bàn xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm những ngày vừa qua, ngày 8/9, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã họp bàn đưa ra các giải pháp tháo gỡ.

Kiến nghị miễn giảm, di dời trạm thu phí

Từ ngày 4/9 đến ngày 7/9, tại trạm thu phí số 1 đã xuất hiện tình trạng lái xe trả phí bằng tiền lẻ và dùng nhiều hình thức khác nhau để phản đối việc thu phí cao, gây ùn tắc giao thông. Nhiều lái xe cho biết họ buộc phải làm vậy là do mức thu phí quá cao.

Các doanh nghiệp vận tải bức xúc cho rằng, với mức phí như hiện nay, doanh nghiệp thua lỗ nặng nên đề nghị các cơ quan chức năng miễn giảm, để tránh tình trạng xe trốn trạm đi tắt theo đường dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, chủ doanh nghiệp du lịch Quang Vinh đóng trên địa bàn huyện Mỹ Hào, phí tăng đã gây chi phí lớn cho doanh nghiệp. Cụ thể, một xe tải chở hàng từ cảng Đình Vũ đến Đông Anh chỉ thu được 2,5 triệu đồng tiền cước, trong khi vé qua các trạm thu phí đã ngốn hết 1,8 triệu đồng, chưa kể xăng và hao mòn xe thì không doanh nghiệp nào chịu nổi. Ông Vinh đề nghị miễn vé cho xe dưới 7 chỗ và xe của người dân khu vực lân cận trạm thu phí; hoặc di dời trạm thu phí đến vị trí khác cho hợp lý. Mặt khác, muốn giảm tải Quốc lộ 5, phải giảm phí tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thu hút xe tải, xe khách.

Chia sẻ với các doanh nghiệp vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu đề xuất các giải pháp để các bộ, ngành của trung ương xem xét có phương án giảm giá thu phí, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa VIDIFI và các phương tiện chịu phí. Đồng thời, miễn giảm phí cho phương tiện giao thông ở các khu vực trong bán kính 5 km quanh trạm thu phí ở một số xã thuộc các huyện: Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Giang.

Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các bộ, ngành trung ương xem xét phương án di dời trạm thu phí số 1 Quốc lộ 5 về điểm giáp ranh giữa Hưng Yên với Hà Nội hoặc Hưng Yên với Hải Dương, nhằm khắc phục tình trạng xe trốn trạm, gây thất thoát nguồn thu và phá hỏng đường dân sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu các cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và các doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông, không dùng tiền lẻ làm công cụ gây ùn tắc giao thông tại các trạm kiểm soát vé trên địa bàn.

Thu phí quốc lộ 5 không vì lợi nhuận

Lý giải về việc thu phí và tăng phí, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT VIDIFI cho biết, quốc lộ 5 là công trình trọng điểm quốc gia, do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thực hiện, không phải là dự án BOT. Việc thu phí ở đây không vì lợi nhuận mà phục vụ cho việc chi phí duy tu, bảo dưỡng kết cấu nền đường và mặt đường. Trong suốt 13 năm từ 2002 đến 2015, các trạm trên Quốc lộ 5 không hề tăng phí, trong khi các tuyến đường khác đều tăng nhiều lần. Đến năm 2015 và 2016, quốc lộ 5 mới thực hiện tăng giá vé lên 4,5 lần và hiện nay mức phí mới tương đương các trạm trên các tuyến đường khác.

"Việc thu phí có quyết định của Thủ tướng, có hợp đồng với cơ quan chức năng chứ không hề mang tính chất lợi nhuận hay lợi ích nhóm. Chẳng doanh nghiệp nào dại gì đầu tư vào một công trình kéo dài bằng việc thu phí hơn 29 năm, thay vào đó đầu tư vào đất vàng sẽ có lợi nhiều". Ông Chiến khẳng định.

Thời gian tới, kết cấu hạ tầng Quốc lộ 5 sẽ bị phá vỡ, phải sửa chữa nhiều. Mặt khác, các khu công nghiệp hai bên đường tiếp tục tăng, lưu lượng xe nhiều lên, đường sẽ bị quá tải. Quốc lộ 5 thực chất không phải từ vốn ngân sách mà do nhiều thế hệ trước để lại, ngân sách bỏ ra là để chi phí cho việc nâng cấp, ông Chiến nhấn mạnh.

Về việc lái xe dùng tiền lẻ trả phí, ông Chiến cho rằng việc này không sai, nhưng sử dụng tiền lẻ làm công cụ gây rối cản trở giao thông là không nên. Thậm chí có lái xe còn giả cho xe chết máy, rồi quay ngang xe, chờ dòng xe sau bị ùn tắc mà quay đầu lại để trả vé bằng tiền lẻ, dẫn đến tắc đường buộc phải xả trạm thu phí, gây thất thoát nguồn thu của nhà nước.

Sẽ giảm phí để tăng lưu lượng xe

Về việc miễn giảm phí mà tỉnh Hưng Yên và các doanh nghiệp đề xuất, ông Đào Văn Chiến đã tiếp thu và sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải các phương án hợp lý để giảm theo quy định chung. Nếu giảm phí sẽ giảm cho doanh nghiệp, còn giảm cho tài xế thì không biết bao nhiêu cho vừa. Mặt khác, có thể sẽ giảm phí mạnh trên đường cao tốc nhằm kéo xe né trạm ra đường quốc lộ 5 và thu hút xe từ đường quốc lộ 5 ra đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ nghiên cứu xem xét để giảm cho người dân xung quanh khu vực trạm thu phí, cân đối tài chính để không bị vỡ. Còn việc di chuyển trạm thu phí là khó khăn vì gây nhiều tốn kém.

Ông Cường cũng đề nghị VIDIFI nghiên cứu khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; trong đó, việc giảm phí trên đường cao tốc Hải Nội - Hải Phòng sẽ thu hút các phương tiện tham gia giao thông nhằm tăng lưu lượng xe, tăng nguồn thu phí. Đây sẽ là giải pháp tối ưu để giảm tải cho quốc lộ 5 và hạn chế tình trạng xe né trạm. Thời gian tới, sẽ thực hiện minh bạch trong thu phí, giám sát các trạm thu phí./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục