Giải bài toán đầu ra cho lúa hữu cơ

12:32' - 14/02/2019
BNEWS Nông dân 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh vừa hoàn thành bán lượng lúa hữu cơ cho Công ty Cọp Sinh Thái và Công ty Hồng Tin theo hợp đồng vụ lúa 2018.
Ruộng lúa hữu cơ kết hợp nuôi thủy sản 1ha của gia đình ông Lê Văn Triều, xã Long Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN

Ông Lê Văn Trí, Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa cho biết, hầu hết diện tích lúa hữu cơ giống ST5 trên địa bàn đạt năng suất hơn 5 tấn/ha, giá bán theo bao tiêu 12.600 đồng/kg, nông dân lãi ròng 32 triệu đồng/ha. Lúa hữu cơ tuy cho thu nhập cao nhưng 5 năm qua nông dân không thể mở rộng diện tích bởi đầu ra khó khăn, doanh nghiệp không tăng diện tích bao tiêu.

Theo ông Võ Minh Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, từ năm 2013, nông dân xã Long Hòa và Hòa Minh sản xuất thành thạo quy trình lúa hữu cơ và áp dụng mô hình sản xuất lúa – tôm càng đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Cụ thể, trên diện tích 1 ha mặt nước trồng lúa hữu cơ, nông dân thả nuôi khoảng 5.000 con tôm càng xanh giống. Sau thời gian 6 tháng nuôi, thu trên 100 kg tôm càng xanh, bán với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg. Bình quân mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng giúp nông dân mức thu nhập tăng thêm khoảng 50 triệu đồng so trồng lúa bình thường hoặc nuôi tôm quảng canh như trước đây.

Nhưng 3 năm gần đây, Công ty Cọp Sinh Thái và Công ty Hồng Tin hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ hạn chế nên diện tích ngày càng giảm. Tính đến vụ lúa 2018, tổng diện tích lúa hữu cơ 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh chỉ còn gần 130 ha, giảm hơn 70 ha so với trước. Do doanh nghiệp bao tiêu diện tích lúa hữu cơ ít, nhiều nông dân phải buộc lòng bỏ công 3 năm xây dựng nền ruộng hữu cơ để chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Trong chương trình phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch xây dựng vùng lúa hữu cơ 1.000 ha; trong đó, quy hoạch 500 ha diện tích lúa hữu cơ 2 xã đảo để tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt lúa - tôm càng xanh sạch Long Hòa và Hòa Minh.

Tuy nhiên, hiện chương trình phát triển 1.000 ha lúa cơ của tỉnh Trà Vinh chưa xúc tiến tích cực. Nông dân ở xã Long Hòa và Hòa Minh tiếp tục trông chờ và sản xuất theo hợp đồng của 2 doanh nghiệp Công ty Cọp Sinh Thái và Công ty Hồng Tin./.

>>> Lúa hữu cơ sinh học được bao tiêu với giá hơn gấp rưỡi so với lúa thường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục