Mô hình tôm – lúa đạt chuẩn VietGAP của Cà Mau

15:02' - 08/12/2018
BNEWS Mô hình tôm – lúa đạt chuẩn VietGAP đang là hướng đi mới giúp nền nông nghiệp Cà Mau khắc phục được nhiều hạn chế.

Để sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định cho nhà nông, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, tiến tới phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả cao như: Tôm - lúa kết hợp; trồng lúa, trồng rau, trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP…

Đặc biệt, mô hình tôm – lúa đạt chuẩn VietGAP đang là hướng đi mới giúp nền nông nghiệp địa phương khắc phục được nhiều hạn chế.

Hiện, Cà Mau đang tích cực triển khai thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm.

Đây là dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và ủy quyền địa phương quản lý.

Mục tiêu của dự án là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm tỉnh Cà Mau, nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Kỹ sư Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau chia sẻ, dự án VietGAP trên lúa đối với tỉnh Cà Mau còn rất mới, nhưng với sự cố gắng và hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam bước đầu đã thực hiện theo đúng tiến độ về khối lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm dự án và ứng dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Thống kê sơ bộ, Cà Mau hiện có khoảng 168ha đất trồng đạt chuẩn VietGAP; trong đó, lúa chiếm khoảng 120ha diện tích.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, hệ canh tác lúa mùa đặc sản rất phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện xâm nhập mặn ngày càng tăng ở các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong hệ thống lúa-tôm, giống lúa mùa đặc sản địa phương có tính thích ứng cao do có kiểu hình thích nghi vùng trũng thấp, chịu mặn tốt và chống chịu sâu bệnh.

Các giống lúa mùa đặc sản được ưa chuộng và đã thích nghi ở vùng bị ảnh hưởng mặn tại Cà Mau gồm: tài nguyên, tép hành, một bụi, ba bông mẳn.

Ngoài ra, nhu cầu thị trường nội địa đối với các giống lúa mùa đặc sản rất ổn định và hiệu quả khá cao về mặt kinh tế đối với người sản xuất; trong đó, giống tép hành và ba bông mẳn được xem như một sản phẩm đặc trưng của Cà Mau.

Tuy vậy, trong thời gian qua, việc nghiên cứu cải thiện, phục tráng các giống lúa mùa đặc sản ít được chú ý đầu tư, cho nên người dân vẫn phải sử dụng lúa thịt làm giống trồng qua nhiều thế hệ, dẫn đến tình trạng giống bị thoái hóa, năng suất giảm, lúa thương phẩm lẫn hạt đỏ, hạt khác dạng nên giảm giá trị thương mại.

“Sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là xu hướng tất yếu để nước ta hội nhập toàn diện trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới. Trong bối cảnh như vậy, có thể nhận thấy các tiểu vùng lúa mùa đặc sản ở ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Cà Mau nói riêng có đủ điều kiện thuận lợi và cần thiết để phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đây là cơ sở để tạo dựng thương hiệu gạo đặc sản bản địa, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân”, kỹ sư Phạm Văn Mịch, cho chia sẻ.

Hiện, tỉnh Cà Mau cũng song song triển khai mô hình sản xuất cánh đồng lớn lồng ghép các tiến bộ kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng theo chuẩn VietGAP.

Đồng thời, Cà Mau còn xây dựng vùng canh tác lúa hữu cơ đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và châu Âu.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được chọn để triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nhiều mô hình sản xuất mới được ngành nông nghiệp phối hợp cùng các nhà khoa học, các doanh nghiệp… hướng dẫn nông dân thực hiện.

Hiện, Sở đang triển khai mô hình sản xuất lúa an toàn. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ quy hoạch các điểm đang sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng vùng sản xuất lúa sạch.

Cùng với việc quy hoạch vùng bảo vệ đất đai, nguồn nước, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, ngành chức năng thường xuyên giám sát quá trình sản xuất, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia.

"Khi doanh nghiệp đồng hành với nông dân thì vấn đề tiêu thụ, thị trường cũng được giải quyết", kỹ sư Nguyễn Văn Tranh khẳng định.

Trung bình, diện tích gieo trồng lúa trên toàn tỉnh Cà Mau khoảng 118.000 ha, năng suất bình quân 4,34 tấn/ha, sản lượng lúa đạt 514.000 tấn.

Theo kế hoạch sản xuất lúa ổn định diện tích đến năm 2020, Cà Mau sẽ có khoảng 131.500 ha diện tích; trong đó, 70.400 ha trồng lúa cao sản chất lượng, 51.100 ha trồng lúa mùa đặc sản và kết hợp với nuôi tôm, cá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục