Giải bài toán khủng hoảng của doanh nghiệp thời dịch COVID-19

10:43' - 09/04/2020
BNEWS Tình hình sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Tp. HCM đã và đang nỗ lực tìm hướng đi mới để vượt khó.

Đặc biệt, trước dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng tiếp theo sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức do những diễn biến mới của dịch COVID-19, sở, ngành thành phố đang đồng hành cùng doanh nghiệp nỗ lực sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn ở mức cao nhất có thể.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm

Theo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, 3 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 3/2020 chỉ số IIP tăng 3,4% so với tháng 2/2020 và giảm 6,6% so cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo của sở, ngành cũng cho thấy, chỉ có một số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số IIP 3 tháng đầu năm 2020 tăng cao hơn chỉ số sản chung của toàn ngành công nghiệp như sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 12,2%; sản xuất sản phẩm điện tử tăng 11,5%; sản xuất da và sản phẩm liên quan tăng 2,9%.

Riêng các ngành công nghiệp chủ yếu còn lại có chỉ số IIP thấp hơn chỉ số chung của toàn ngành.

Đơn cử, chỉ số IIP 3 tháng đầu năm 2020 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,7% so cùng kỳ 2019; trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp lớn tiếp tục dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang tỉnh khác, còn ngành sản xuất đồ uống tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cùng Luật Phòng chống tác hại rượu, bia năm 2019 đã ảnh hưởng đến hoạt động “sản xuất bia và mạch nha ủ men bia”.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số IIP 3 tháng đầu năm 2020 bằng cùng kỳ năm 2019 và tăng hơn 1,0 điểm phần trăm so với chỉ số IIP chung của toàn ngành công nghiệp; trong đó, có hai trong 4 ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ, cụ thể chỉ có  ngành hóa dược tăng 8,0% và ngành sản xuất điện tử tiếp tục tăng 11,5%.

Đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Chính phủ và Tp. Hồ Chí Minh cần có những chính sách quyết liệt hơn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và ổn định sản xuất.

Thực trạng doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang những quốc gia khác sẽ tiếp tục gây gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm khá mạnh so cùng thời điểm năm 2019 cũng là vấn đề thách thức đối với doanh nghiệp và toàn ngành công nghiệp thành phố trong thời gian tới.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, ở lĩnh vực xuất khẩu, tính chung 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tại cửa khẩu trên cả nước đạt hơn 9,85 tỷ USD, tăng 7,5 % so cùng kỳ năm 2019; còn kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô đạt hơn 9,28 tỷ USD, tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 2,15 tỷ USD (tăng 31,6% so cùng kỳ năm 2019 và chiếm 23,4% tỷ trọng xuất khẩu).

Tiếp theo, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,58 tỷ USD (tăng 5,9% so cùng kỳ và chiếm 17,2% tỷ trọng xuất khẩu); thị trường Nhật Bản đạt 777,2 triệu USD (giảm 1,8% so cùng kỳ và chiếm 8,5% tỷ trọng xuất khẩu).

Riêng đối với những thị trường mà Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thì giá trị xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm.

Điển hình, xuất khẩu sang thị trường châu Âu có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhưng trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 1,15 tỷ USD, giảm 8,4% so cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Đầu tư theo xu hướng thị trường

Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và trở thành đại dịch toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khi lao động tham gia sản xuất sụt giảm và thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu gặp nhiều thách thức hơn để duy trì và ổn định sản xuất.

Đáng chú ý, vừa qua Tp. Hồ Chí Minh cũng đã thông qua việc triển khai Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu doanh nghiệp tự đánh giá mức rủi ro và lãnh đạo quận, huyện sẽ rà soát. Ngoài ra, Bộ chỉ số được thành phố triển khai trên tinh thần ủng hộ sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn, nên doanh nghiệp cần chủ động các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng hành cùng thành phố.

Trước bối cảnh sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như xu thế "ảm đạm" trên cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, chia sẻ kinh nghiệm xử lý tình huống kinh doanh thời dịch bệnh, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit cho rằng, tâm thế chủ động ứng phó diễn biến thị trường và giải bài toán khủng hoảng.

Tuy nhiên, những điều này đòi hỏi người chủ doanh nghiệp phải có sự linh hoạt trong quản trị sản xuất kinh doanh, cũng như quản trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, phải luôn bám sát thông tin thị trường để khi xuất hiện nguy cơ, rủi ro... mới có thể kịp thời xử lý và vượt qua.

Còn để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm và chia sẻ khó khăn chung của khách hàng trong mùa dịch COVID-19, bà Nguyễn Thùy Ngân, Giám đốc thương hiệu SolarBK cho biết, SolarBK triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng.

Cụ thể, khách hàng trên toàn quốc khi lắp đặt giải pháp điện mặt trời áp mái BigK dành cho hộ gia đình trong cùng thời gian nêu trên sẽ có mức giá ưu đãi 10%, áp dụng từ nay đến 25/4.

Ngoài ra, SolarBK cũng kỳ vọng với mức ưu đãi lớn của chương trình, điện mặt trời sẽ là khoản đầu tư xanh sạch và bền vững cho gia đình, cũng như lợi ích chung của xã hội.

Ghi nhận thực tế trên thị trường Tp. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm tìm ra hướng đi mới để vượt khó.

Ngoài việc doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bắt tay đầu tư và trực tiếp thực hiện khâu quảng bá, tiếp thị, khuyến mãi sản phẩm và giao hàng tay người tiêu dùng, còn có những doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, tung ra thị trường những dòng sản phẩm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng và xu hướng thị trường hiện nay.

Đặc biệt, có thể kể đến một số công ty như công ty Việt Nam kỹ nghệ bột mì vừa giới thiệu ra thị trường sản phẩm mì sợi để tăng sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước ở thời điểm khó khăn hiện nay; công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất - thương mại Tiến Phát duy trì việc làm cho 300 lao động bằng cách nhận làm đơn hàng gia công cho doanh nghiệp khác.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục