Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII: Giải thưởng nghề nghiệp danh giá của những người làm báo trong cả nước

18:20' - 21/06/2023
BNEWS Tối nay, 21/6/2023, Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XVII-năm 2022 sẽ được tổ chức trọng thể, đúng vào dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Tối nay, 21/6/2023, tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XVII-năm 2022 sẽ được tổ chức trọng thể, đúng vào dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Đây là dịp tôn vinh các tác phẩm báo chí xuất sắc, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Qua 17 năm tổ chức, Giải báo chí quốc gia luôn nhận được sự tham gia chủ động, tích cực của các cấp hội, các cơ quan báo chí, các hội viên và cộng tác viên, cho thấy sức hút mạnh mẽ của giải và sự quan tâm, hưởng ứng của các hội viên và các cấp hội nhà báo trong cả nước.

* Ngày hội tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người đặt nền móng cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam đã từng căn dặn: Báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. 98 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Bác Hồ, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, báo chí cách mạng đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Giải báo chí quốc gia hàng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hàng năm, theo Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia và Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 22/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia.

Qua 17 năm tổ chức, Giải báo chí quốc gia ngày càng được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp Hội, các cơ quan báo chí và hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước. Giải đã đồng hành cùng đời sống báo chí, trở thành sinh hoạt nghiệp vụ thực sự bổ ích, lan tỏa sâu rộng trong các cấp hội, trong giới báo chí và ngày càng khẳng định uy tín là giải thưởng nghề nghiệp danh giá nhất của những người làm báo trong cả nước. Mỗi một mùa giải thu hút hàng nghìn tác phẩm với nhiều thể loại, thể hiện ý thức, trách nhiệm rất cao của báo chí với đất nước, thực sự là "cầu nối thông tin" rất quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Còn đối với mỗi người làm báo, mỗi mùa giải báo chí là những mùa vàng tôn vinh sự lao động chân chính của họ bởi mỗi giải thưởng giống như những ngọn lửa thắp lên trong tim người cầm bút, nuôi dưỡng niềm tin nơi người đọc. Và những tác phẩm được vinh danh có thể do một tác giả, nhóm tác giả… nhưng đằng sau hào quang đó chính là sự hội tụ, kết tinh của sức mạnh tập thể trong hành trình sáng tạo.

Năm nay Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII nhận được sự tham gia của 18/20 Liên Chi hội, 35 Chi hội trực thuộc và 62/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.

Thống kê của Ban Thư ký tổng hợp Giải cho thấy, năm nay có 1.894 tác phẩm gửi về dự Giải, tiếp tục đạt mức cao từ trước đến nay, trong đó 169 tác phẩm có sự tham gia của tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nhìn chung, các tác phẩm đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và các mặt khác của đời sống đất nước trong năm 2022, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của đất nước.

Theo ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII-2022, nhấn mạnh: Đây là năm thứ 17 Giải được tổ chức, với nhiều thành viên mới trong cả Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Công việc tổ chức giải được thực hiện nền nếp, bài bản, thu hút được sự tham gia tích cực, hào hứng của các cấp Hội, các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ XVII, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí quốc gia khẳng định, trải qua 17 mùa đồng hành cùng đời sống báo chí, Giải Báo chí quốc gia đã trở thành sinh hoạt nghiệp vụ thực sự bổ ích, lan tỏa sâu rộng trong các cấp Hội, trong giới báo chí, ngày càng khẳng định uy tín và là giải thưởng nghề nghiệp danh giá nhất của những người làm báo trong nước.

Với tôn chỉ, mục đích và thể lệ của mình, năm nay, Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII tiếp tục tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo, những đóng góp trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả của người làm báo đối với xã hội, cộng đồng và đất nước. Trải qua nhiều vòng thẩm định và chấm giải, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã công bố kết quả chấm Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII vào chiều ngày 2/6/2023. Theo đó, trong tổng số 157 tác phẩm vào vòng chung khảo, Hội đồng chấm giải đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được: 9 giải A, 24 giải B, 46 giải C và một số giải khuyến khích để trao giải thưởng.

Theo đánh giá của Hội đồng chung khảo, các tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII-năm 2022 đã đáp ứng được các tiêu chí xét chọn được nêu trong hướng dẫn tuyển chọn của Hội đồng giải, phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2022.

Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực; thể hiện sự tâm huyết, sáng tạo, khám phá, có sức thu hút độc giả. Nhiều tác phẩm được thể hiện chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang hơi thở của báo chí hiện đại. Một số tác phẩm nổi trội có sự đầu tư công phu từ đề tài, nội dung đến hình thức.

Hội đồng đánh giá cao sự đổi mới trong cơ cấu và nâng cao chất lượng thẩm định của Hội đồng sơ khảo, đồng thời nêu một số vấn đề cần rút kinh nghiệm cho các mùa giải sau, nhất là công tác tuyển chọn ở cấp cơ sở và công tác tuyên truyền, quảng bá cho một số loại giải.

* Danh sách các tác giả, tác phẩm đoạt giải A Giải Báo chí quốc gia 3 năm gần đây

Năm 2021:

Giải Báo chí quốc gia năm 2021 tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả của 115 tác phẩm báo chí xuất sắc ở 11 loại giải. Trong đó có 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích. Các tác phẩm đạt giải A bao gồm:

- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in): Loạt 4 bài: Gây dựng "sếu đầu đàn" cho nền kinh tế của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà, Bùi Thị Lan (Tô Hà), Phạm Việt Hải, Tấn Nguyên - Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân.

- Giải Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in): Loạt 5 bài: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng - gốc có vững cây mới bền của nhóm tác giả: Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thành, Công Hoan, Nguyễn Minh Tuấn – Chi hội nhà báo Báo Tiền Phong.

- Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in): Loạt 5 bài: Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc "ma mị" giữa Thủ đô của nhóm tác giả Trần Thanh Bình, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Hoàng Chiến, Nguyễn Công Khanh, Đào Xuân Ngọc - Chi hội nhà báo Báo Đại Đoàn Kết.

- Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh: Không có giải A

- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh): Tác phẩm: Những ngày không quên! của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Bùi Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Minh Hạnh - Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh): Loạt 4 bài: Vỉa hè đang thực sự nuôi ai? của nhóm tác giả Trang Công Tiến, Phạm Trung Tuyến, Nguyễn Hữu Thịnh, Chu Trung Đức, Nguyễn Hải Bằng - Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Giải Tin, phóng sự, ký sự (Truyền hình): Tác phẩm: HTV Từ tâm dịch của nhóm tác giả Lương Vũ Phong, Trường Giang, Minh Tấn, Nguyễn Trường - Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.

- Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình): Tác phẩm: Nơi kết thúc là nơi bắt đầu của nhóm tác giả Chí Thông, Tấn Tài, Trường Giang, Bích Phương, Ngọc Quí - Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.

- Giải Phim tài liệu truyền hình: Tác phẩm: Ranh giới của nhóm tác giả Tạ Quỳnh Tư, Kiều Viết Phong – Liên chi hội nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử): Loạt 5 bài:"Giải phóng" đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần "cuộc cách mạng" quyết liệt hơn của nhóm tác giả Võ Hoàng Long, Hoàng Thị Phương Trang, Võ Mạnh Hùng, Vũ Thị Bích Hằng, Phạm Thanh Trà - Báo điện tử VietnamPlus, Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử): Loạt 5 bài: Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng của tác giả Đỗ Doãn Hoàng (Lãng Quân) - Chi hội nhà báo Báo Nông thôn ngày nay.

Năm 2020

- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in): Loạt 5 bài "Đại dịch COVID-19 - thách thức và cơ hội" của tác giả Nguyễn Hữu Phùng Nguyên - Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

- Giải Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in): Loạt 3 bài: Pháp luật về quốc phòng - hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân của nhóm tác giả Đỗ Phú Thọ, Hồ Quang Phương, Nguyễn Chiến Thắng - Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân.

- Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in): Không có giải A

- Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh: Không có giải A

- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh): Tác phẩm BRíu Pố và chuyện nêu gương của nhóm tác giả Dương Nữ Hoàng Anh, Đoàn Quốc Học - Đài Phát thanh & Truyền hình Quảng Nam, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam.

- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh): Loạt 4 kỳ: Rừng giữ đất quê hương của tác giả Từ Thị Xuân Yến - Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi.

- Giải Tin, phóng sự, ký sự (Truyền hình): Tác phẩm: Phá rừng quy mô lớn ở Kon Tum của nhóm tác giả Nguyễn Thị Liên, Hoàng Minh Đức – Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

- Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình): Tác phẩm: Vinh quang trên tuyến đầu của nhóm tác giả Phạm Văn Tú (Văn Tú), Nguyễn Hồng Anh (Hồng Anh), Trần Thị Khánh (Vân Khánh), Nguyễn Đức Minh (Đức Minh), Vũ Anh Tuấn (Tuấn Vũ) - Liên Chi hội Nhà báo Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội.

- Giải Phim tài liệu truyền hình:

Giải Đặc biệt thuộc về tác phẩm: Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình của nhóm tác giả Nguyễn Lê Anh, Lê Thi, Nguyễn Thành Trung, Ngô Đình Khoát, Nguyễn Thanh Tùng – Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

Giải A thuộc về tác phẩm: Hiếu và Minh của tác giả Lê Thị Quỳnh - Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa.

- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử): Loạt 5 bài: Báo chí chung tay làm sạch chính mình của nhóm tác giả Đỗ Hữu Khôi (Bắc Ninh), Hoàng Tư Giang, Phạm Lương Bằng, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Văn Hải (Thiện Văn) – Báo Điện tử VietnamNet, Liên Chi hội Nhà báo Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử): Loạt 5 bài: Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế của nhóm tác giả Nguyễn Lan Hương (Lan Hương), Dương Đình Trường (Đình Trường) – Chi hội Nhà báo Báo Lao Động.

Năm 2019

- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in): Loạt 5 bài: Trò chuyện văn chương của tác giả Trần Hữu Việt (Hữu Việt) – Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

- Giải Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in): Loạt 5 kỳ: Khởi động chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của nhóm tác giả: Tô Đình Tuân, Lê Cao Cường, Phạm Hồng Kỳ, Võ Hoàng Triều, Hoàng Văn Thanh - Báo Người Lao Động, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.

- Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in): Loạt 3 bài: Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị "đóng băng, bào mòn" của nhóm tác giả: Quang Hưng, Xuân Thủy, Hoàng Anh, Tô Hà, Minh Dũng – Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

- Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh: Không có giải A

- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh): Loạt 5 bài: Nông nghiệp Tây Nguyên tìm động lực cho giai đoạn mới của nhóm tác giả Dương Đình Tuấn, Vũ Hải Định – Cơ quan Thường trú khu vực Tây Nguyên, Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh): Không có giải A

- Giải Tin, phóng sự, ký sự (Truyền hình): Tác phẩm: Làm đẹp những con số của nhóm tác giả Nguyễn Thị Tuyết (Minh Tuyết), Lê Thanh Tùng (Thanh Tùng), Cao Xuân Tùng (Cao Tùng), Đào Thanh Liên (Thanh Liên), Tô Quang Vinh (Quang Vinh) - Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa.

- Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình): Tác phẩm: Đối diện: Chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa của nhóm tác giả Đỗ Đức Hoàng, Nguyễn Phương Mai, Vũ Đình Chung, Nguyễn Việt Cường, Lưu Hoàng Tuấn – Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

- Giải Phim tài liệu truyền hình: Tác phẩm: Ông rũ rối của nhóm tác giả Đào Gia Thái (Gia Thái), Dương Duy Khoa (Duy Khoa), Nguyễn Việt Hưng (Việt Hưng), Phạm Mạnh Hùng (Mạnh Hùng), Nguyễn Lê Minh (Lê Minh) – Đài Phát thanh & Truyền hình Phú Thọ, Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ.

- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử): Loạt 5 bài: Mớ bòng bong ma trận đấu thầu tập trung: Hà Nội nguy cơ "thất thủ" vì rác thải" của nhóm tác giả Phạm Trung Hiền, Phạm Thị Thanh Trà - Báo Điện tử VietnamPlus, Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử): Loạt 5 bài: Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Thị Huyên, Nguyễn Tuấn Anh, Dương Đình Trường - Chi hội Nhà báo Báo Lao Động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục