Giải đáp mối quan hệ giữa văn hóa doanh nhân và phát triển doanh nghiệp

16:37' - 14/05/2019
BNEWS Bản chất doanh nghiệp sinh ra là để kiếm lợi nhuận, nhưng muốn phát triển bền vững thì phải có văn hóa.
Tọa đàm: Văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ngày 14/5, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức buổi Giao lưu - tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển sự bền vững của doanh nghiệp”.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh cho biết, văn hóa doanh nghiệp là tất cả những hành vi sản phẩm, những giá trị có tính chân - thiện - mỹ của doanh nghiệp được hình thành trong quá trình hoạt động. Nó cũng chính là bản sắc, phong cách riêng, là nguồn sức mạnh mềm và là nền tảng tinh thần cho sự phát triển bền vững.

Nhiều người đã hiểu sai về văn hóa doanh nghiệp là văn nghệ, giải trí nhưng văn hóa ngoài những cái đó thì còn về sản phẩm, giá trị cho khách hàng. Văn hóa doanh nghiệp là những đức tính của người doanh nhân có đạo đức, có văn hóa kinh doanh. Do vậy, mối quan hệ của văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp rất mật thiết với nhau.

Theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, qua trải nghiệm thực tế quản lý, bất kể doanh nghiệp nào để phát triển bền vững cũng cần hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”; trong đó, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố “nhân hòa”.

“Đến lúc phải nhìn nhận, văn hóa là mục đích của sự phát triển, vừa là động lực, vừa là mục tiêu, tùy trường hợp cụ thể. Bản chất doanh nghiệp sinh ra là để kiếm lợi nhuận, phát triển, nhưng muốn phát triển bền vững thì bắt buộc phải có văn hóa. Văn hóa không thể tự có. Các doanh nghiệp cần biết mình đứng đâu, làm gì, nhận thức lại mình, lợi thế tiềm năng của mình để tự sửa đổi theo hướng tốt lên, xây dựng bản sắc riêng mình”, ông Thắng nói.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự coi trọng văn hoá doanh nghiệp và chưa coi đây là yếu tố tạo nên thành công của doanh nghiệp.

PGS. TS. Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Chia sẻ về ý kiến này, PGS. TS Đỗ Minh Cương cho rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của nó. Còn nhiều doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa thực sự tham gia vào Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở phạm vi quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phát động. Còn nhiều doanh nghiệp làm văn hóa không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về hình thức nên ít tác dụng và hiệu quả thấp.

Theo PGS. TS Đỗ Minh Cương, giải pháp đầu tiên để khắc phục tình trạng này là phải nâng cao được nhận thức của doanh nghiệp về văn hóa doanh nghiệp, trước hết và quan trọng nhất là từ người sáng lập, lãnh đạo doanh nghiệp đó, từ đó truyền đạt, lan tỏa xuống bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và xuống tận các công nhân viên và đơn vị cơ sở.

Cụ thể, ông Cương cho hay, lãnh đạo, người đứng đầu và bộ phận cán bộ quản lý phải được đào tạo và tự đào tạo về văn hóa doanh nghiệp một cách hệ thống; không chỉ biết các lý luận, mô hình, phương pháp quốc tế mà còn cả các yêu cầu, tiêu chí đánh giá và chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam.

Việc đào tạo, truyền thông về văn hóa doanh nghiệp cần được đẩy mạnh theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể thông qua vai trò của Chính phủ, các hiệp hội, tổ chức xã hội, trường đại học, các cơ quan báo chí, truyền thông…trong hoạt động của doanh nghiệp và có sự kết nối, phối hợp của các tổ chức này.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, với vai trò, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cần thực hiện tốt chức năng tổ chức chủ trì, quản trị chung về nâng cao nhận thức và hành động hiệu quả trong Phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhất là trong việc xây dựng hệ tiêu chí, quy chế đánh giá, bình chọn và tôn vinh doanh nghiệp đạt chuẩn, đạt thành tích xuất sắc về xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Hiệp hội cũng cần thu hút sự chú ý và phát huy vai trò tham gia, giám sát, cổ vũ, bình chọn của công chúng, xã hội về xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại các địa phương và trong phạm vi cả nước.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, văn hóa doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy bởi văn hóa quản lý Nhà nước. Thực tế, nếu văn hóa quản lý lành mạnh thì văn hóa doanh nghiệp cũng lành mạnh và ngày một tốt hơn.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) chia sẻ thêm, bên cạnh những doanh nghiệp bất chấp việc vi phạm văn hóa và đạo đức cũng như vi phạm pháp luật nhằm đạt được lợi nhuận trong việc kinh doanh, cũng có nhiều doanh nghiệp xây dựng và phát triển kinh doanh một cách bền vững nhờ đẩy mạnh sử dụng bộ tiêu chí văn hóa ứng xử và đạo đức.

Cùng với đó, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn hàng giả và những hành động vi phạm pháp luật từ một số các doanh nghiệp hiện nay cũng là điều cần thiết. Ngoài ra, cần phát động và phát triển cuộc vận động của Thủ tướng Chính phủ trong tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp phát triển văn hóa của chính mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục