Giải mã cuộc đua thống trị thị trường xe điện toàn cầu

05:30' - 24/03/2024
BNEWS Những “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đang kết hợp dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để xác định lại tương lai của thiết bị di động, có khả năng tạo ra một bước đột phá mới cho thị trường xe điện

 

Tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử Xiaomi của Trung Quốc dự kiến sẽ cho ra mắt chiếc xe điện đầu tiên của mình tại Trung Quốc vào ngày 28/3, ba năm sau khi công ty công nghệ này lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về một chiếc xe thể thao chạy bằng pin. Với kế hoạch này, giờ đây, các nhà sản xuất ô tô cao cấp ở Mỹ và Đức sẽ phải đối đầu với một đối thủ khác.

Loại xe mới này có tên là SU7, trong đó SU là viết tắt của “speed ultra”. Chiếc xe chỉ cần 2,78 giây để tăng tốc từ 0 lên 100 km/h (0-60 mph). Tốc độ tối đa là 265 km/h. Quãng đường tối đa khi sạc đầy pin được nhà sản xuất quy định có thể đi được là 800 km (500 dặm). Giá cơ bản của SU7 vào khoảng 33.000 euro (36.000 USD), khiến SU7 có thể so sánh với mẫu Tesla 3 và chỉ bằng khoảng 1/3 giá Taycan của Porsche.

Giám đốc điều hành Xiaomi Lei Jun đang để mắt đến các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ và Đức. Giám đốc Lei Jun tuyên bố: “Chúng tôi không muốn sự thỏa hiệp. Chúng tôi muốn tạo ra một chiếc xe mơ ước có thể sánh ngang với Tesla và Porsche”.

Từ điện thoại thông minh đến ô tô

Trung Quốc từ lâu đã là nước sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới. Xiaomi chủ yếu sản xuất các thiết bị gia dụng thông minh có chức năng web, chẳng hạn như cảm biến cửa hoặc nồi cơm điện gửi thông báo đến điện thoại di động của người dùng khi cơm đã sẵn sàng.

Ở châu Âu, Xiaomi chủ yếu được biết đến với điện thoại thông minh, giống như nhà cung cấp viễn thông Huawei, hãng đã tung ra mẫu SUV điện tử mang tên AITO tại Trung Quốc kể từ năm 2021.

Các công ty điện tử đang cố gắng lấn sân sang sản xuất ô tô không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Công ty Apple cũng đã có ý tưởng sản xuất ô tô cách đây 14 năm. Tuy nhiên, vào cuối tháng 2/2024, nhà sản xuất iPhone đến từ Cupertino thông báo rằng dự án “Apple Car” cuối cùng đã bị ngừng sản xuất. Công ty được cho là đã đầu tư tổng cộng 10 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức đã bán được khoảng 1/3 số ô tô trên toàn thế giới vào năm 2023. Nhưng vị thế thị trường của họ hiện đang bị thách thức bởi các nhà sản xuất ô tô điện trong nước.

Chuyên gia Bernd Diepenseifen, đối tác của công ty tư vấn KPMG, cho biết: “Trung Quốc dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu về pin lithium-ion”. Về sản xuất pin, đổi mới công nghiệp và bán hàng, Trung Quốc rõ ràng là số một về quy mô cạnh tranh. Ông nói thêm: “Các nhà cung cấp châu Á có vị trí thống trị ở đây, ít nhất là vào thời điểm hiện tại”.

Và đối với các nhà sản xuất ô tô Đức, mọi thứ đang không đi đúng hướng. Chuyên gia Diepenseifen cho biết: “Sản xuất nguyên liệu thô chắc chắn không phải là lĩnh vực mà các nhà cung cấp Đức đang tìm kiếm cơ hội một cách hợp lý, cũng như sản xuất pin”. Các tiêu chuẩn cao mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hướng tới càng trở nên rõ ràng hơn tại Triển lãm ô tô quốc tế Geneva vào tháng 2 vừa qua.

Không một nhà sản xuất ô tô nào từ Đức có mặt trong khi có rất nhiều nhà sản xuất của Trung Quốc. Các loại xe triển lãm đã cho thấy một thế hệ ô tô kết nối mới, với các gói giải trí tích hợp dịch vụ truyền phát âm thanh và video cũng như tính năng điều hướng cho biết bằng cách đếm ngược khi đèn giao thông tiếp theo chuyển sang màu xanh lục.

Thế hệ ô tô mới

Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc ngày nay đang xem ô tô không chỉ là một phương tiện vận chuyển đơn thuần. Ô tô không chỉ có động cơ cộng với hộp số, và phương tiện di chuyển điện tử không chỉ là khung gầm có ổ cắm. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn đang nghĩ tới việc nhấn mạnh vào lái xe tự động và trí tuệ nhân tạo, một khái niệm giao thông thân thiện với môi trường và dẫn đầu về công nghệ trong sản xuất công nghiệp.

Đây là lý do tại sao những “gã khổng lồ” về điện tử và viễn thông như Huawei và Xiaomi đang định vị mình trong thị trường cạnh tranh này.

Ông chủ Xiaomi Lei cho biết: “Hiện tại, ô tô là ‘trung tâm dữ liệu di động’. Ngành công nghiệp ô tô trong tương lai sẽ tạo ra những ‘không gian thông minh’ tiên tiến và được kết nối”. Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc NIO thậm chí đã gọi ô tô của mình là “phòng khách trên bánh xe”.

Tại triển lãm ô tô IAA 2023 ở Munich, ông Wan Gang, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đã nhiệt huyết với ý tưởng cho rằng ô tô điện có thể được sử dụng để lưu trữ năng lượng trong lưới điện khi sạc và xả.

Ông Jürgen Unser, người từng là Chủ tịch của Audi Trung Quốc cho đến tháng 1/2024, cho biết: “Đối với sản xuất và phương tiện của tương lai, ‘thông minh’ là bước tiến lớn tiếp theo. Điều này bao gồm ô tô thông minh, sản xuất thông minh và hạ tầng thông minh.

Sản xuất sẽ sớm được kiểm soát bằng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Ông Jürgen Unser nhận định: “Điều rất quan trọng đối với xã hội của chúng ta, bao gồm cả ở Đức, là chúng ta trở nên cởi mở hơn nhiều trong cách xử lý và sử dụng dữ liệu”.

So với nhiều nước khác, các tài xế Trung Quốc không nhạy cảm với việc thu thập dữ liệu cá nhân. Bằng cách sử dụng dữ liệu, ngành công nghiệp kỹ thuật số khi đó có thể phát triển các thuật toán ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển các công cụ trong tương lai.

Ông Unser nói: “Trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần vào sự tiến bộ và thịnh vượng của chúng ta. Chúng ta cần phải nhanh chóng, cởi mở và linh hoạt. Tuy nhiên, dữ liệu được thu thập cũng phải được trao đổi một cách có quy định”.

Sự vào cuộc của các nhà sản xuất phương Tây

Năm 2018, Chính phủ Đức và Trung Quốc đã ký tuyên bố chung về ý định “lái xe tự động và kết nối”. Theo tài liệu, cả hai nước đều muốn tạo ra và phát triển “các tiêu chuẩn và yêu cầu đa phương không phân biệt đối xử về truy cập và lưu trữ dữ liệu, truyền dữ liệu và bảo mật CNTT (an ninh mạng) trong lĩnh vực lái xe tự động và kết nối cũng như cơ sở hạ tầng liên quan”.

Nhưng thực tế việc chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới phức tạp hơn nhiều. Theo Ủy ban châu Âu, nhiều công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang phàn nàn về những khó khăn trong việc sử dụng dữ liệu công nghiệp từ các công ty con của họ ở Trung Quốc.

Các nhà đầu tư nước ngoài phải vận hành trung tâm dữ liệu của họ ở Trung Quốc, thường được tách rời khỏi cơ sở dữ liệu hoặc dịch vụ đám mây của công ty mẹ.

Theo báo cáo từ Brussels, các quy định về an ninh mạng và dữ liệu của Trung Quốc là “một vấn đề” đối với ngành công nghiệp châu Âu. Việc chuyển dữ liệu ra khỏi Trung Quốc cần có sự chấp thuận của nhà nước thông qua cơ quan giám sát mạng CAC, đơn vị muốn kiểm tra tất cả hoạt động xuất “dữ liệu quan trọng”.

Chính phủ Đức cũng nhận thức được những rào cản này. Bộ trưởng Kỹ thuật số Liên bang Volker Wissing nhấn mạnh sự cần thiết của việc truyền dữ liệu miễn phí tại các cuộc tham vấn liên chính phủ Đức-Trung vào năm 2023.

EU và Trung Quốc hiện đang đàm phán các tiêu chuẩn công nghiệp thống nhất về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vì lợi ích của quy định dữ liệu không biên giới. Họ vẫn đang tìm kiếm điểm chung.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục