Giải pháp cho ngành chăn nuôi bò thịt. Bài 2: Làm tốt khâu giống, nâng cao chất lượng thịt
Trong sản xuất hàng hóa, muốn phát triển bền vững, trước hết phải nâng cao chất lượng con giống. Ngành chăn nuôi bò thịt cũng vậy, sản phẩm bò thịt của Hà Nội sẽ không thể cạnh tranh trên thị trường, nếu chất lượng thịt không đảm bảo.
Giống tốt, lợi nhuận cao
Không chỉ là một trong những tỉnh, thành có ngành chăn nuôi bò thịt phát triển nổi bật so với cả nước, Hà Nội còn được đánh giá là địa phương đi tiên phong trong việc cải tiến giống. Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã triển khai nhiều chương trình lai tạo, nâng cao chất lượng giống bò.
Thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, tầm vóc, tỷ lệ thịt xẻ và chất lượng thịt của đàn bò đã được nâng lên đáng kể; tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cho bò tăng mạnh, từ 24% vào năm 2010 lên 61% vào năm 2016, qua đó giúp đàn bò lai đạt trên 90%, bò cóc chỉ còn dưới 10%.
Sau khi phát triển giống, đàn bê lai hướng thịt các giống tốt như Brahman, Droghmaster, BBB, Angus... có ngoại hình đẹp, chất lượng tốt, đặc biệt hạn chế được dịch bệnh.
Nhờ đó, giá bán bê giống tăng từ 2,5 triệu đồng/con đến 3 triệu đồng/con, giá bán thịt tăng từ 3 triệu đồng/con đến 5 triệu đồng/con so với bò sinh ra bằng phương pháp nhảy trực tiếp.
Ước tính, thu nhập mỗi năm của người chăn nuôi từ tiền bán giống tăng thêm từ 50 tỷ đồng đến 60 tỷ đồng và từ tiền bán thịt tăng từ 120 tỷ đồng đến 150 tỷ đồng.
Anh Đỗ Văn Xuất (xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì), cho biết, để lai tạo ra những con bò chất lượng tốt, chi phí phối giống và nuôi dưỡng tăng lên so với trước, nhưng giá bán và lợi nhuận thu được cũng tăng thêm nhiều lần. Điều quan trọng là nhờ đó mà gây được giống tốt, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài. Do vậy, lai các giống mới bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo là hướng đi chung của các hộ chăn nuôi bò thịt hiện nay.
Không chỉ làm lợi cho người chăn nuôi, việc cải tiến giống bò cũng góp phần tạo thêm lao động, tăng thu nhập cho đội ngũ nhân viên làm công tác giống.
Theo báo cáo của Trung tâm phát triển chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, việc nhân giống bò thịt đã tạo việc làm cho trên 90 dẫn tinh viên cơ sở với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/tháng đến 5 triệu đồng/tháng. Một số dẫn tinh viên còn có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Trước hàng loạt vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, thói quen của người tiêu dùng đã dần thay đổi. Nhiều người chấp nhận mua sản phẩm với giá cao, miễn là hàng hóa phải có chất lượng tốt, đáng tin cậy.
Bởi vậy, khi các sản phẩm nước ngoài tiến vào thị trường trong nước với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh thì hàng Việt nói chung, sản phẩm thịt bò nói riêng phải đi theo hướng đề cao chất lượng mới có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Ông Hà Minh Tuân, Phó Giám đốc, Trung tâm giống gia súc lớn Trung ương, cho biết, việc tạo giống bò thịt của Việt Nam cũng như của Hà Nội vẫn còn hạn chế. Việt Nam hiện chưa có giống bò lai hướng thịt nào được cố định về di truyền giống và được công nhận là giống mới.
Thêm nữa, lại chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nào về đánh giá, bình tuyển bò lai hướng thịt. Việc ghi chép số liệu, quản lý giống còn thiếu khoa học, không xác định được bò thịt lai bao nhiêu giống và bao nhiêu máu, do vậy chưa tạo được đàn bò thịt hạt nhân làm giống.
Định hướng đến năm 2020, Hà Nội sẽ tăng quy mô đàn bò thịt lên 125.000 đến 130.000 con (tăng khoảng 20% so với hiện nay) và sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 11.000 tấn.
Ngoài việc tiếp tục hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo cho bò thịt, sử dụng tinh ngoại chất lượng cao, chọn bò cái tốt làm giống sinh sản, thành phố Hà Nội cần tiếp tục triển khai các dự án nhằm giúp người chăn nuôi chủ động trong phát triển giống.
Trong các dự án phát triển bò thịt đã thực hiện, dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai giống bò BBB trên nền bò lai Sind tạo đàn bò lai F1 trên địa bàn thành phố được đánh giá là bước đột phá ở Thủ đô. Thông qua dự án, bước đầu xuất hiện những trang trại thu gom bê giống F1 BBB với số lượng lớn để vỗ béo đến giết thịt, đây là tiền đề để đưa chăn nuôi bò thịt trở thành ngành sản xuất hàng hóa trọng điểm.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc, Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội cho rằng, để chăn chuôi bò thịt phát triển thành một ngành nghề ổn định, bền vững, hiệu quả, trước hết Hà Nội phải chủ động sản xuất các loại tinh bò thịt cao sản.
“Theo tính toán của chúng tôi, nếu thành phố tự sản xuất được tinh bò BBB thì giá thành chỉ vào khoảng 120.000 đồng đến 150.000 đồng/1 liều, chỉ bằng 30% đến 40% giá nhập ngoại. Với mức giá trên, khi hết dự án, nếu thành phố không còn hỗ trợ, người chăn nuôi vẫn dễ dàng tiếp cận”, ông Hải cho biết thêm.
Theo PGS.TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch, Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, muốn phát triển giống, ngoài ứng dụng khoa học công nghệ vào lai tạo giống chất lượng cao, phải đặc biệt chú ý đến thức ăn cho đàn bò thịt. Thức ăn cho bò phải là cỏ sạch, nếu không chú ý đến chất lượng thức ăn, bò có thể tăng trưởng tốt về trọng lượng nhưng chất lượng thịt giảm sút do tích lũy mỡ, ảnh hưởng đến thương hiệu và giá thành trên thị trường.
Suy cho cùng, cải tạo giống là nâng cao chất lượng đàn bò từ gốc, từ bên trong, phục vụ mục tiêu lâu dài. Nếu có cách làm hay, hướng đi đúng, chắc chắn thị trường nội địa sẽ được giữ vững và quan trọng nhất là làm lợi cho người chăn nuôi, góp phần ổn định cuộc sống./.
>>> Giải pháp cho ngành chăn nuôi bò thịt. Bài 1: Xây dựng thương hiệu “thịt bò Hà Nội”
Tin liên quan
-
Xe & Công nghệ
Giải pháp cho ngành chăn nuôi bò thịt. Bài 1: Xây dựng thương hiệu “thịt bò Hà Nội”
18:23' - 09/12/2016
Mặc dù, ngành chăn nuôi bò thịt ở Hà Nội khá ổn định song khi hội nhập thì ngành chăn nuôi bò thịt cũng ít nhiều cũng chịu tác động.
-
Xe & Công nghệ
Cần có hệ thống giám sát chăn nuôi tại Việt Nam
12:55' - 07/12/2016
Mục tiêu của hệ thống giám sát chăn nuôi là thu thập các thông tin chăn nuôi thường xuyên một cách chính xác, kịp thời để phục vụ: quản lý nhà nước, xây dựng các chính sách phát triển…
-
Kinh tế Việt Nam
Tôn vinh 32 sản phẩm chăn nuôi gia cầm năm 2016
14:33' - 24/11/2016
Những sản phẩm đoạt giải lần này đạt tiêu chí chất lượng cao, đạt nhiều chứng nhận chất lượng, có chỗ đứng trên thị trường được người tiêu dùng đón nhận, doanh thu hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng.
-
Xe & Công nghệ
Giá lợn hơi giảm mạnh, người chăn nuôi gặp khó
17:07' - 16/11/2016
Giá lợn hơi ở tỉnh Tiền Giang đang giảm mạnh, khiến người chăn nuôi khá lo lắng.
Tin cùng chuyên mục
-
Xe & Công nghệ
Nhu cầu xe điện cũ tăng mạnh tại Hàn Quốc
11:23' - 18/11/2024
Trong khi nhu cầu về xe điện đang giảm trên thị trường ô tô mới, doanh số bán ô tô điện đã qua sử dụng lại ngày càng tăng.