Giải pháp "hạ nhiệt" buôn lậu thuốc lá

10:06' - 23/01/2019
BNEWS Vốn có sức hấp dẫn do lợi nhuận cao nên tình hình buôn lậu thuốc lá luôn "nóng" tại khu vực biên giới Tây Nam.

Có lẽ vì vậy, những ngày cuối năm này vùng “chảo lửa” nơi đây lại như được tiếp thêm nhiệt bởi giới buôn lậu hoạt động ngày đêm.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang tiến hành thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Đặc biệt, từ năm 2019, đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn hơn khi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%. Điều này, vô hình chung đã tạo chênh lệch kích thích cho dân buôn thuốc lá lậu hoành hành…

*"Chảo lửa" luôn nóng

Theo chân lực lượng quản lý thị trường vào những ngày cận Tết Nguyên đán, dọc tuyến biên giới An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp khi nước lũ đã rút cạn, cánh đầu nậu thuê người sử dụng xe máy chở số lượng lớn hàng lậu thuốc lá vẫn còn nguyên nhãn mác.

Cung đường vận chuyển hàng lậu ở đây khá đặc biệt vì các xe phải chạy trên bờ ruộng rộng chưa đầy nửa mét. Sau khi nhận hàng từ bên kia biên giới, những người vận chuyển thuê như làm xiếc trên cánh đồng, họ đánh võng liên hồi ở những đoạn đê quanh co, khúc khuỷu.

Nhưng khi vừa tiếp cận được con đường nhựa nhỏ phẳng lì trong nội địa, những kẻ vận chuyển này lập tức tăng tốc và sẵn sàng đe dọa bất cứ ai lạ mặt xuất hiện.

Phát hiện chúng tôi dừng xe ở đoạn đường này, một số xe chất đầy thuốc lá nẹt pô inh ỏi rồi mất hút. Khi tất cả xe chở hàng lậu đến chỗ kết nối đều phải chạy chậm lại và làm theo sự hướng dẫn của nhóm "chim lợn" được các chủ đầu nậu thuê làm nhiệm vụ cảnh giới từ xa. Nếu "thuận buồm xuôi gió", hàng lậu sẽ được vận chuyển về tập kết tại các kho chứa trước khi đem đi tiêu thụ.

Chia sẻ với nhóm phóng viên chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trung, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Tháp cho hay, mặc dù Đồng Tháp tình hình buôn lậu giảm hơn so với năm 2017 nhưng lại xuất hiện nhiều hình thức buôn lậu mới tinh vi hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, thủ đoạn buôn lậu của các đầu nậu năm nay không có nhiều thay đổi so với trước, vẫn là tập kết hàng hóa nhập lậu sát biên giới để chờ thời cơ thuận lợi vận chuyển bằng các phương tiện vỏ lãi, xe máy chạy với tốc độ cao hoặc thuê người đai vác.

Sau khi qua được biên giới, hàng lậu tiếp tục được đưa sâu vào nội địa tiêu thụ bằng nhiều phương tiện khác nhau như ghe tàu, xe máy, xe tải, xe khách.

Để đối phó với các lực lượng chức năng, các đối tượng cũng sử dụng những chiêu cũ như dùng các hóa đơn quay vòng, bộ hồ sơ bán hàng tịch thu.

Đầu nậu thường tổ chức lực lượng canh gác 24/24 giờ, hoạt động thường vào đêm khuya, sáng sớm, chia nhỏ ra để vận chuyển... Chính vì vậy, cơ quan chức năng vẫn không thể kiểm soát và xử lý triệt để.

Cơ quan chức năng thu giữ 3.300 cây thuốc lá. Ảnh: TTXVN

Trung tá Phan Đức Phụng, Phó Trưởng phòng, Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: "Vào thời điểm cuối năm, tình trạng buôn lậu đang hoạt động hết công suất".

Vì vậy, Bộ chỉ huy đã xây dựng chiến dịch cao điểm trước trong và sau cao điểm nhằm chỉ đạo cho các phòng và các đồn làm tốt việc quản lý địa bàn, mật phục, làm tốt việc phối hợp và tuyên truyền để bà con hạn chế tiếp tay cho giới buôn lậu.

Tuy nhiên, do công cụ và phương tiện của biên phòng cũ, không đồng bộ, kinh phí hạn chế nên khi vào mùa nước nổi, địa hình đồng bằng nước ngập cao khiến khu vực đường biên cột mốc bị ngập, tầm nhìn hạn chế gây khó khăn cho lực lượng khi thực thi nhiệm vụ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ở khu vực miền Nam, số lượng thuốc lá nhập lậu từ biên giới Tây Nam tuồn vào thị trường Tp. Hồ Chí Minh có thời điểm lên tới 60-70%, chủ yếu từ Long An và Tây Ninh.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, lực lượng 389 của thành phố mặc dù đã tăng cường lực lượng, tần suất kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh giáp ranh để xử lý nhưng thuốc lá nhập lậu vẫn không giảm trên thị trường.

*Cần một chế tài

Buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp do lợi nhuận cao, thủ đoạn hoạt động phạm tội tuy không mới nhưng rất tinh vi. Thuốc lá điếu nhập lậu vận chuyển thường bị phân tán, xé lẻ, ngụy trang kín đáo, trộn lẫn giữa các hàng hóa khác hoặc thuê mướn người khác vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau và không tập kết hàng như trước nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Điều đáng quan tâm là chính từ buôn lậu thuốc lá đã làm ngân sách nhà nước thất thu tiền thuế. Bên cạnh đó, chất lượng không được kiểm soát của sản phẩm thuốc lá lậu trôi nổi trên thị trường là tiếng chuông cảnh báo về an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng...

Để chống thuốc lá nhập lậu trong dịp cuối năm, không chỉ có Tp. Hồ Chí Minh mà các địa phương vùng biên giới Tây Nam như Tây Ninh, Long An, An Giang… hiện đã lên phương án khá kỹ.

Theo đó, các lực lượng 389 tổ chức khoanh vùng các điểm nóng, đường dây, kho chứa, nơi tập trung buôn bán thuốc lá nhập lậu để kiểm tra và xử lý.

Trên thị trường, các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, kiểm tra ngăn chặt hoạt động bán buôn, bán lẻ thuốc lá; yêu cầu người kinh doanh thực hiện nghiêm cam kết đã ký không kinh doanh thuốc lá nhập lậu.

Ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho rằng, sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng hoạt động ở vùng biên giới với các cơ quan trong nội địa như công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường... đóng vai trò rất quan trọng.

Số lượng thuốc lá bị thu giữ. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Vì vậy, ông Nguyễn Khánh Quang cho rằng, nếu không phối hợp tốt sẽ dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu thông tin, hiệu quả đấu tranh thấp. Đặc biệt, cần phối hợp đồng bộ với nước bạn Campuchia để giảm thiểu nạn buôn lậu qua biên giới.

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: "Theo quy luật, tăng thuế sẽ kéo theo tăng giá, vậy việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lên 75% chắc chắn dẫn đến nguy cơ tình trạng buôn lậu thuốc lá sẽ tăng. Do vậy, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường chống buôn lậu thuốc lá trong thời gian tới".

Theo ông Trần Hữu Linh, trước đây, từng đơn vị quản lý thị trường ở mỗi địa bàn, khu vực khác nhau nên tính địa lý ít nhiều gây khó khăn trong chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Với mặt hàng buôn lậu thuốc lá phải có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng và để chống buôn lậu hiệu quả thì cần xóa bỏ khoảng cách về địa lý trong chỉ đạo, điều hành.

Đặc biệt, các lực lượng có nhiệm vụ chống buôn lậu đã tổ chức điều hành theo ngành dọc từ lâu như biên phòng, hải quan... và hiện nay quản lý thị trường cũng được tổ chức theo ngành dọc sẽ giúp cho việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tốt hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, hiện nay các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân sống quanh khu vực biên giới nên giải pháp căn cơ và dài hạn là đảm bảo công ăn việc làm cho người dân nơi đây không tiếp tay cho buôn lậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục