Giải pháp lưu trữ nào cho hệ thống điện Việt Nam?

17:37' - 17/09/2021
BNEWS Để phát triển được việc lưu trữ, Việt Nam cần có lộ trình để phát triển dự trữ năng lượng.

Ngày 17/9, Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Nhà máy điện ảo và Lưu trữ năng lượng – Xu hướng chuyển đổi số cho hệ thống điện Việt Nam”.

Tọa đàm nhằm phân tích đa chiều về khả năng áp dụng các công nghệ mới, lộ trình phát triển hệ thống lưu trữ và các chính sách dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện Việt Nam trong tương lai.
Theo chia sẻ của ông Dương Việt Đức, đại diện Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), tổn thất điện trên toàn hệ thống lưới đã tăng nhẹ 0,01%, trong phụ tải giảm do dịch COVID-19. Mặc dù sản lượng điện và phụ tải không cao, nhưng tổn thất tăng nhẹ. Điều này là công suất phải truyền tải cao, cự ly xa, từ miền Trung - Tây Nguyên truyền ra phía Bắc và phía Nam.
Lưới truyền tải điện với sự tham gia của năng lượng tái tạo với công suất lớn đã xuất hiện nhiều sự cố, đơn cử như việc buộc phải sa thải công suất các nhà máy phát để đảm bảo tính an toàn, ổn định của hệ thống điện.

Thống kê trong năm 2020 thì A0 đã phải tiết giảm 364 triệu kWh điện năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời, điện gió....
Trong phát triển lưới truyền tải, ông Dương Việt Đức cho hay, có nhiều thách thức lớn, gồm lưới truyền tải về quy hoạch gặp khó khăn trong điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; thường không theo kịp tốc độ phát triển của năng lượng tái tạo, các nguồn điện phân tán; vị trí hướng tuyến đường dây gặp khó tại các thành phố, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Vấn đề khó khăn nhất với phát triển lưới truyền tải là bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất năng lượng. Như đường dây 220 kW Hội Quảng – Nghĩa Lộ, việc chuyển đổi mục đích mất 4 năm nhưng tới nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Do vậy, cần có giải pháp lưu trữ, ứng dụng công nghệ để vận hành hệ thống lưới tốt hơn.
Hiện nay EVNNPT đã ứng dụng nhiều công nghệ trong vận hành đường dây và các trạm biến áp, như: trạm biến áp không người trực, công nghệ trí tuệ nhân tạo, thiết bị bay…
TS. Nguyễn Đức Tuyên, Viện Điện - Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, về lưu trữ có khá nhiều hình thức khác nhau, như dùng pin lưu trữ, thủy điện tích năng, dự phòng quay, khởi động đen…
Để phát triển được việc lưu trữ, Việt Nam cần có lộ trình để phát triển dự trữ năng lượng. Ông Tuyên chỉ ra các bước, gồm: tạo nhận thức về loại hình và vai trò lưu trữ; kết nối các bên liên quan; đánh giá giá trị toàn hệ thống có ưu nhược điểm gì để đưa ra giải pháp; từ đó xác định mục tiêu để đưa ra giải pháp thực hiện.
Đặc biệt, Việt Nam cần phải có chính sách đầy đủ, làm trợ lực phát triển tương ứng công nghệ trên thế giới; trong đó, có thể đề cập đến vấn đề lưu trữ năng lượng trong Quy hoạch Điện quốc gia; từ đó có cái nhìn đúng giúp Việt Nam chủ động hơn về công nghệ với sự đồng hành của doanh nghiệp và chuyên gia trong nước, thúc đẩy sử dụng hiệu quả, tối đa nguồn năng lượng tái tạo.
Sự xuất hiện của năng lượng tái tạo thời gian qua đã gây ra sự thay đổi lớn, khó khăn trong cân bằng hệ thống.
TS. Trần Thái Trung, chuyên gia về hệ thống điện VIETSE đặt vấn đề, làm thế nào để tối ưu hóa vận hành lưới điện, trong khi vẫn có thể tiếp nhận tối đa công suất nguồn điện phân tán, năng lượng tái tạo.
Nhà máy điện ảo có thể giúp tích hợp các nguồn phân tán, được giám sát và điều khiển thông qua công nghệ thông tin và bằng cách tổng hợp các đồ thị phân tán thành 1 đồ thị thống nhất có thể tối đa hóa lợi ích, ông Trần Thái Trung cho hay.
“Hạ tầng Công nghệ thông tin là xương sống của nhà máy điện ảo, gồm tốc độ, băng thông, bảo mật. Các Trung tâm điều khiển được thiết kế linh hoạt. Chúng ta cần một lộ trình chi tiết. Chúng tôi đề xuất 10 năm theo 3 gảii đoạn:

Thứ nhất là từ nay đến năm 2026, triển khai dự án thử nghiêm ở quy mô nhỏ, để kêu gọi đầu tư, đánh giá kỹ thuật; giai đoạn 2 (2026-2029) thực hiện phát triển nhà máy điện ảo quy mô lớn để tham gia, đánh giá ưu, nhược điểm; và giai đoạn 3 từ 2030 trở đi, Việt Nam có thể triển khai thêm nhà máy điện ảo quy mô lớn, phân tích ảnh hưởng các bên liên quan, thị trường điện”, ông Trần Thái Trung nói.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Hồng Phương, việc lưu trữ điện giúp nhà vận hành hệ thống lưới giải quyết bài toán về linh hoạt lưới điện, huy động được tối đa các nguồn phân tán, Các nhà máy điện ảo được nhắc đến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 giúp các nhà đầu tư nhỏ tham gia vào thị trường điện một cách bình đẳng, tránh được bất định cung cầu…
Nhiều chuyên gia cho rằng, triển khai lưu trữ điện ảo cần có lộ trình cụ thể và đặc biệt có những cơ chế, chính sách đi kèm, có thể đưa vào Quy hoạch Điện 8 sắp tới…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục