Giải pháp nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho hàng Việt

08:54' - 15/12/2022
BNEWS Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt, tăng tỷ lệ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tiên đến chinh phục người Việt Nam, Bình Phước sẽ triển khai việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt, tăng tỷ lệ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tiên đến chinh phục người Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải -Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục triển khai việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá không bảo đảm an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất hàng Việt chân chính.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục quan tâm xây dựng kế hoạch tổng thể tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đặc trưng có thế mạnh trên địa bàn.

Báo cáo về tình hình triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ông Đỗ Đại Đồng - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chia sẻ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bình Phước đã triển khai nghiêm túc Cuộc vận động trên địa bàn thông qua tuyên truyền với những nội dung cụ thể, sát với tình hình thực tế.

 Theo đó, Ban Chỉ đạo triển khai tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các nội dung trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều hình thức phong phú và đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc ưu tiên sử dụng các hàng hoá do Việt Nam sản xuất.

Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ đạo đã sử dụng hiệu quả mạng xã hội, như: Zalo, facebook, Fanpage, trên các trang báo in, báo điển tử của tỉnh, phát sóng trên truyền hình, trên hệ thống loa tại các cụm khu dân cư để tuyên truyền rộng rãi đến từng người dân trên địa bàn tỉnh. Phát hành tờ rơi tuyên truyền về Cuộc vận động đến từng hộ gia đình tại cộng đồng khu dân cư.

Ngoài việc tuyên truyền gián tiếp, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị tổ chức các Hội chợ thương mại nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong tỉnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Việc này nhằm hướng tới việc sản xuất ra các sản phẩm thương hiệu Việt có chất lượng cao, giá thành hợp lý được người tiêu dùng trong nước chấp nhận; tham gia những hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt ngay tại địa phương thông qua các “Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn”; “Hội chợ triển lãm hàng Việt”; “Phiên chợ 0 đồng”, “Gian hàng bình ổn giá”…

Song song đó, vận động công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước, nhân dân sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân và thực hiện mua sắm tài sản công.

Thông tin về chính quyền các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương từ chương trình OCOP…

Qua Cuộc vận động, nhận thức của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh về trách nhiệm, ý nghĩa và tầm quan trọng trong phục vụ nhu cầu của người dân, nhiều doanh nghiệp chủ động tích cực tham gia Cuộc vận động bằng nhiều hình thức.

Cụ thể như đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

 “Từ khi thực hiện Cuộc vận động, mức tiêu thụ hàng Việt ngày càng tăng cao, người dân ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng là hàng Việt nên vận động gia đình, bạn bè sử dụng. Bên cạnh đó còn tham gia tuyên truyền phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm nâng cao kiến thức khi sử dụng các sản phẩm hàng Việt”, ông Đỗ Đại Đồng đánh giá. 

Ngoài ra, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm... cũng đã giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.

Qua đó nhận thức của các tầng lớp nhân dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, người dân đã tích cực hưởng ứng tiêu thụ hàng Việt ở các chợ, các siêu thị có chiều hướng gia tăng, tâm lý tiêu dùng hàng Việt dần trở thành thói quen của người dân từ đó tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển bền vững.

Sau khi nghe báo cáo kết quả triển khai và Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động khảo sát thực tế tại doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên địa bàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự quyết liệt chỉ đạo và gương mẫu của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Phước trong việc nghiêm túc triển khai Cuộc vận động.   Theo đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã ban hành các văn bản, từ Kế hoạch, hướng dẫn cụ thể các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, chủ động trong việc triển khai Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, có tính hấp dẫn, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, tỉnh đã rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo cuộc vận động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp tỉnh (Quyết định số 283- QĐ/TU ngày 08/3/2021 của tỉnh ủy Ban Thường vụ tỉnh Bình Phước về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh). Thực hiện nghiêm túc việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã chủ động ban hành Kế hoạch số 208 ngày 21/10/2021 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới trên địa bàn.“Kế hoạch là cơ sở để các đơn vị tại địa phương thực hiện tốt các hoạt động như ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến công, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tổ chức được nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các hội chợ nông nghiệp, các triển lãm giới thiệu quảng bá về chất lượng hàng Việt; bảo đảm việc thực hiện Cuộc vận động đạt kết quả”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Đồng thời đánh giá cao việc tỉnh Bình Phước tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cùng đó, tổ chức được nhiều hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động như triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Mặt khác, tỉnh cũng đã vận động các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các đợt bán hàng Việt phục vụ người tiêu dùng; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm tăng khả năng cạnh tranh, phát triển hệ thống phân phối.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị Bình Phước tiếp tục quan tâm đời sống người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khi dịp Tết Nguyên đán đang sắp đến; lồng ghép các hoạt động kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, bình ổn thị trường, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 cũng như có chính sách tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong Cuộc vận động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đổi mới công nghệ sản xuất hàng hóa có chất lượng ngày càng nâng cao, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tích cực hưởng ứng Cuộc vận động.Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Đoàn kiểm tra và các đại biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bình Phước hoàn thiện báo cáo về kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục