Giải pháp nào cho du lịch Lào Cai phát triển?

10:06' - 02/12/2019
BNEWS Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng cần có những phương hướng, giải pháp phù hợp để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng du lịch của tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.
Giải pháp nào cho du lịch Lào Cai phát triển. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tại Hội thảo bàn các giải pháp phát triển du lịch giữa UBND tỉnh Lào Cai với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng cần có những phương hướng, giải pháp phù hợp để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng du lịch của tỉnh trong thời gian tới.

Sau 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 148-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Lào Cai đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, thực sự là khâu “đột phá” trong phát triển kinh tế của tỉnh và được đánh giá là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Bắc về lĩnh vực du lịch.

Ước tính đến hết năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt trên 5 triệu lượt, tổng doanh thu đạt gần 20 nghìn tỷ đồng (chiếm 50% tổng doanh thu du lịch của 8 tỉnh trong nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, đóng góp trên 10% GRDP toàn tỉnh). Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch và công nhận là Khu du lịch quốc gia (ngày 28/12/2019, tỉnh sẽ tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Sa Pa).

Bên cạnh đó, môi trường du lịch trên địa bàn được cải thiện, thu hút trên 35 dự án đầu tư qui mô lớn về du lịch với số vốn đạt trên 40 nghìn tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.300 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 15 nghìn buồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch, nhất là vào các dịp cao điểm.

Tuy nhiên, hiện du lịch Lào Cai còn một số bất cập như: nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác hết, thiếu sự đa dạng hóa và làm mới sản phẩm du lịch. Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cáp treo lên đỉnh Fansipan tạo thuận lợi phát triển du lịch nhưng cũng đang tạo ra một số thay đổi về hướng phát triển du lịch của Lào Cai như ngày lưu trú của du khách ở Lào Cai giảm, hình thành nhiều tuyến du lịch kết hợp khiến du lịch Lào Cai có sức trung chuyển lớn hơn trước... Bên cạnh đó, do thương mại hóa về du lịch, nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương đang dần mất đi hoặc bị biến tướng.

Ông Đặng Đình Sáu, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Sa Pa cho biết, hiện nay, việc dừng đỗ xe và phân luồng giao thông tại Sa Pa còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều tuyến phố chính. Do vậy, tỉnh nên cân nhắc việc cấm các loại xe trên 29 chỗ lưu thông trên các tuyến đường như hiện tại, vì ở các khu phố này tập trung nhiều khách sạn lớn, khi trung chuyển phải sử dụng rất nhiều loại xe nhỏ làm tăng lượng xe lưu thông gây ách tắc, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và thêm phiền hà cho du khách.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Lào Cai cho biết, hiện nay, địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung và Khu Du lịch quốc gia Sa Pa nói riêng đang thiếu chỗ đỗ xe cho các hãng taxi đón trả khách. Các khách sạn nên có khu đỗ cho xe taxi để việc đón trả khách được thuận lợi, không gây ra cảnh ùn tắc vào những giờ cao điểm. Ông mong muốn thời gian tới, việc kết nối giữa dịch vụ vận tải taxi với các khách sạn được tốt hơn.

Đại diện khách sạn quốc tế Aristo cho rằng, tỉnh Lào Cai nên đẩy nhanh việc xây dựng sân bay để rút ngắn thời gian di chuyển cho du khách. Bên cạnh đó, tỉnh nên đầu tư xây dựng thêm nhiều sân golf để thu hút được lượng lớn khách quốc tế đến chơi và nghỉ dưỡng cuối tuần.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - Trịnh Xuân Trường đánh giá cao và tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân; đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục gửi ý kiến về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh để chuyển đến lãnh đạo tỉnh xem xét.

Để phát triển du lịch trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh rà soát, nghiên cứu xây dựng thể chế, cơ chế quản lý cụ thể trong lĩnh vực du lịch đề xuất với UBND tỉnh phê duyệt; giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp triển khai các dự án du lịch trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông, nước sạch, bãi đỗ xe… Các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần có sự chủ động, liên kết chặt chẽ hơn trong đào tạo nhân lực du lịch; các địa phương phải đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trong lĩnh vực môi trường…

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cần đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế du lịch như tăng cường năng lực quản lý du lịch cho các điểm du lịch trọng điểm (Sa Pa, Bắc Hà) và từng bước xây dựng năng lực quản lý tại các điểm du lịch ở Bát Xát, Simacai, Y Tý; tăng cường phát triển các dòng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tài nguyên tại các địa phương; khai thác các di tích, di sản, danh thắng và phát triển du lịch tâm linh, du lịch chợ phiên, du lịch làng bản, cộng đồng...

Với những giải pháp trên, mục tiêu tỉnh Lào Cai đang hướng tới là phát triển du lịch theo hướng bền vững để trở thành trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn nhất Việt Nam, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục