Giải pháp nào cho sự phát triển bền vững thị trường chứng khoán?

16:37' - 22/01/2018
BNEWS Ngày 22/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2018.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, năm 2017, quy mô thị trường tăng nhanh, chất lượng của các công ty niêm yết, công ty chứng khoán nhìn chung phát huy hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Xuân Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Thị trường chứng khoán đã trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn; việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán đã tạo điều kiện cơ cấu lại nợ công và huy động được nguồn lực để đảm bảo được kế hoạch tài chính, ngân sách.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là sau quá trình thực hiện Luật Chứng khoán, nhiều nội dung cần phải bổ sung, sửa đổi, nhất là trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp... được ban hành.

Năm 2017, quy mô thị trường chứng khoán đã lớn hơn nhiều. Có tới hơn 70% GDP giá trị vốn hóa và số lượng các công ty niêm yết ở cả hai sàn Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và sàn UPCOM đã lên tới 926 doanh nghiệp, 84 công ty chứng khoán và 46 công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp lỗ trước thuế trong năm 2017 và còn lỗ lũy kế cho đến hết tháng 1/2018.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2018. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Trần Xuân Hà chia sẻ, mặc dù thị trường phát triển mạnh, nhưng chưa thực sự cân bằng giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Trong thị trường trái phiếu cũng chưa có sự cân bằng giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Định hướng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có những lộ trình phát triển, nhưng để thúc đẩy thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn.

Do vậy, trong thời gian tới các cơ quan quản lý cần xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi để thay thế cho Luật Chứng khoán hiện hành và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai năm 2018.

“Định hướng chính sách để sửa đổi Luật đã báo cáo Chính phủ và đã xin ý kiến các thành viên thị trường, nhưng từ định hướng chính sách đó để dự thảo thành Luật cũng không đơn giản. Chúng tôi mong các Hiệp hội, các thành viên thị trường phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính để xây dựng Luật này có kết quả" , Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán phải tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xin ý kiến các Bộ, ngành, đơn vị để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiệm vụ về tái cơ cấu thị trường chứng khoán.

Vì vậy, ngành chứng khoán cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và theo đó là cơ chế thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu doanh nghiệp, cung cấp vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đề xuất, để thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển bền vững trong năm 2018, cần tiếp tục gia tăng quy mô cho thị trường chứng khoán niêm yết bằng cách tiếp tục IPO (phát hành lần đầu cổ phiếu ra công chúng) các công ty Nhà nước, thu hút các doanh nghiệp niêm yết.

Theo ông, tổng mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam gồm cả thị trường UPCOM hiện nay bằng khoảng 75% GDP. Con số này còn thấp khi so sánh với các thị trường trong khu vực châu Á như: Thái Lan khoảng 103% GDP, Singapore 215% GDP, Hong Kong (Trung Quốc) 995% GDP.

Trong khi đó, so sánh ở bình diện khác, tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ở Việt Nam hiện nay chiếm 130% GDP, cao gấp đôi so với thị trường chứng khoán. Điều này có nghĩa là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng, mặc dù vốn hóa thị trường chứng khoán đã tăng gần gấp đôi so với năm 2016.

Ông Thái cũng cho rằng, cần sớm sát nhập hai Sở giao dịch chứng khoán theo hướng chuyên môn hóa cho từng phân khúc các khu vực thị trường; đồng thời tiếp tục huy động và hoàn thiện quy định pháp luật về minh bạch thông tin./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục