Giải pháp nào đảm bảo nguồn lực cho việc tăng lương?

22:43' - 27/06/2024
BNEWS Các ĐBQH thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ về việc tăng lương cơ sở và các chính sách liên quan, bên cạnh đó nhấn mạnh Chính phủ cần có các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho việc tăng lương.

Nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7 tới tiếp tục được thảo luận tại Hội trường Quốc hội vào chiều 26/6. Các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ về việc tăng lương cơ sở và các chính sách liên quan, bên cạnh đó nhấn mạnh Chính phủ cần có các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho việc tăng lương.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội sẽ tác động tới hơn 50 triệu người hiện gắn với mức lương cơ sở. Vì vậy, tổng vốn kinh phí dùng cho việc này rất lớn.

Đến nay Chính phủ đã tích lũy được 680.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới nền kinh tế phục hồi sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo thêm nguồn lực cho tăng lương giai đoạn sau năm 2026.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Trong giai đoạn vừa qua đất nước khó khăn như vậy nhưng Chính phủ vẫn thực hiện để tiết kiệm triệt để, một mặt là để thúc đẩy phát triển, một mặt là tiết kiệm để làm đường. Như vậy trong suốt từ năm 2019 cho đến nay, chúng ta tiết kiệm được 680.000 tỷ đồng. Hiện vẫn phải tiếp tục tiết kiệm đến năm 2026 vì tổng mức lương cho cả giai đoạn 2024 và 2026 lên tới là 913,3 nghìn tỷ. Chính vì vậy vẫn phải tiếp tục tiết kiệm để đủ cho việc trả lương".

Tuy Chính phủ khẳng định đảm bảo được nguồn lực khi tăng lương cho giai đoạn từ nay đến năm 2026 như một số đại biểu Quốc hội băn khoăn, nguồn tăng thu và nguồn tiết kiệm của các địa phương đã bố trí cải cách tiền lương từ những năm trước mức độ rất khác nhau, có địa phương đảm bảo thực hiện có những địa phương rất khó khăn. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp, cơ chế hỗ trợ cho đơn vị còn khó khăn để đảm bảo thực hiện được đồng bộ về chế độ, chính sách điều chỉnh tiền lương.

Bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng: "Mỗi địa phương đều có khả năng đáp ứng ngân sách khác nhau. Đối với những địa phương không đảm bảo được việc cân đối ngân sách trong nguồn này thời gian vừa qua, thậm chí vẫn phải sử dụng cho một số lĩnh vực bức xúc khác ở địa phương. Chính vì vậy, để đảm bảo lộ trình thực hiện chung Chính phủ cũng cần phải tính toán các giải pháp cho vấn đề này".

Trong hai năm tiếp theo 2025 - 2026, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nỗ lực để có thêm nhiều nguồn khác nhau, đảm bảo chính sách cải cách tiền lương như tiết kiệm chi, tăng thu và nguồn lực bền vững lâu dài vẫn là tăng trưởng kinh tế đất nước chứ không chỉ dựa vào nguồn lực tiết kiệm.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: "Cải cách tiền lương không phải chúng ta chỉ dùng được nguồn lực tiết kiệm. Bởi vì đây là bài toán dài hơi vì bên cạnh việc tiết kiệm chúng ta còn có nhiều giải pháp khác để nâng cao năng suất lao động, để tăng thu nhập, để chỉ số GDP bình quân hàng năm tăng cao hơn... chứ không chỉ đơn thuần là việc chúng ta để dành được bao nhiêu tiền cho thực hiện cải cách tiền lương".

Để chính sách tăng lương hiệu quả, khả thi và thực chất, các đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung thông tin đầy đủ về năm nguồn kinh phí thực hiện tiền lương tới hết năm 2026, quy định và hướng dẫn rõ trong triển khai, đồng thời đánh giá tác động về ngân sách nhà nước, dự báo nguồn lực và những phát sinh cho những năm tiếp theo sau năm 2026.

>> Xem bản tin tại đây:

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục