Giải pháp nào để khắc phục triệt để các bất cập, tồn tại thu phí ETC?

15:35' - 09/08/2022
BNEWS Nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc duy trì trạng thái tập trung lực lượng ở cấp độ cao nhất trong vòng một tháng để giải quyết các bất cập, tồn tại thu phí không dừng.

Sau một tuần chính thức áp dụng thu phí không dừng (ETC) vẫn còn xảy ra một số lỗi từ chủ phương tiện và phía đơn vị cung cấp dịch vụ ETC dẫn đến gây khó khăn trong công tác vận hành, khai thác hệ thống.
Vẫn còn nhiều lỗi
Qua tuần đầu triển khai vận hành, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thừa nhận vẫn còn phát sinh nhiều lỗi hệ thống như chủ xe không đủ tiền trong tài khoản trả phí, đến trạm thu phí mới nạp tiền nên có trường hợp tiền đã nạp nhưng chưa kịp về tài khoản; tài khoản không hợp lệ, chưa kích hoạt thẻ.

Ngoài ra, hệ thống thiết bị tại trạm không đọc được thẻ là do nhiều xe dán thẻ đã lâu nhưng chưa sử dụng dịch vụ nên thẻ bị suy giảm chất lượng, thẻ bị dán sai quy cách; việc nhận diện thẻ chậm, barie không nâng lên khi xe đi qua dù tài khoản của tài xế vẫn còn tiền hay barie hạ xuống đè trúng kính xe… ảnh hưởng đến việc lưu thông, gây bức xúc cho tài xế, ùn ứ qua các trạm.

 

“Mặt khác, hệ thống thu phí tại các trạm thu phí của VEC mới đưa vào hoạt động nên vẫn cần thời gian để hiệu chỉnh, hoàn thiện hệ thống; nhân viên chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống thu phí điện tử không dừng,” ông Nhi nói.
Là đơn vị triển khai thu phí ETC đầu tiên trong cả nước và đã áp dụng được hơn 2 tháng qua, ông Lê Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm thu phí đầu tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cho biết nếu như vào thời điểm đầu tháng Sáu - khi mới bắt đầu thí điểm thu phí thuần ETC - có khoảng 76% lượng xe dán thẻ và sử dụng dịch vụ thì đến nay con số này đã tăng lên tới 98%.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra hàng loạt các tồn tại phát sinh sinh khi vận hành hệ thống thu phí ETC trên tuyến này như tình trạng xe chưa dán thẻ,chưa nạp tiền, không đảm bảo số dư trong tài khoản còn nhiều (tháng Sáu có 34.342 lượt xe, trung bình 1.145 lượt xe/ngày chưa nạp tiền vào tài khoản giao thông ở làn vào và 24.987 lượt xe, trung bình 833 lượt xe/ngày không đủ số dư trong tài khoản để thanh toán tại làn ra); xe muốn đổi thẻ ETC sang nhà cung cấp khác thì thủ tục rất khó khăn, phiền phức…

Thừa nhận vẫn còn nhiều phương tiện sử dụng 2 thẻ trở lên, lượng thẻ lỗi, thẻ hỏng còn lớn cũng là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ giao dịch offline, ông Hùng cho rằng, khi những xe này lưu thông vào cao tốc, thiết bị tại làn vào hoặc làn ra không đọc được thẻ, hoặc làn vào đọc một thẻ, làn ra đọc 1 thẻ khác... dẫn đến việc xe phải dừng lại để nhân viên vận hành xử lý thủ công, gây mất thời gian và bức xúc cho các phương tiện đi sau.
“Nếu không được xử lý triệt để thì các xe nàv tiếp tục phải dừng lại khi lưu thông lần sau gây mất thời gian chờ đợi xử lý cho khách hàng và tăng nguy cơ va chạm giao thông tại làn thu phí ETC,” ông Hùng cảnh báo.
Bên cạnh đó, tại cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nhân viên vận hành trạm thu phí không thể đăng nhập hoặc không thể tra cứu được số dư tài khoản trên phần mềm ePass dẫn đến việc khách hàng bức xúc khi mất thời gian kiểm tra số dư tài khoản… Đối với các xe dán thẻ ePass có tài khoản liên thông với ví điện tử Viettel Money, nhân viên vận hành không kiểm tra được số dư trên trang 360.vetc.com.vn do Công ty Thu phí tự động VETC cung cấp…
“Hai nhà cung cấp dịch vụ VETC và VDTC không có người hỗ trợ chậm phối hợp xử lý sự cố nên càng gây bức xúc cho người tham gia giao thông nên Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) phải ‘căng người’ ngày/đêm để hỗ trợ xử lý, khắc phục tồn tại,” ông Hùng than thở.
Để xảy ra lỗi, nhà cung cấp dịch vụ vô can?
Nhiều chủ phương tiện cũng khẳng định đã tuân thủ các quy định về thu phí ETC nhưng trạm ETC xảy ra lỗi, sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm? các đơn vị cung cấp dịch vụ gây ra lỗi liệu có bị xử phạt?

Anh Phạm Văn Hòa, lái xe chở hàng tuyến Hà Nội-Lào Cai cho rằng, hệ thống ETC trên cao tốc hoạt động không trơn tru, nhiều trạm hay bị lỗi, không nhận được thẻ hoặc có trường hợp bị trừ tiền 2 lần.

Nếu chủ xe không dán thẻ, tài khoản giao thông không đủ tiền bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng và tước bằng lái 1-3 tháng. Vậy, các lỗi từ phía hệ thống thu phí như không đọc được thẻ, tài khoản không về tiền, thẻ hỏng, xe dán “thẻ chồng thẻ” thì nhà cung cấp dịch vụ liệu có vô can?
Về vấn đề này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng các trạm thu phí gây ra lỗi để ùn tắc sẽ phải dừng thu phí, xả trạm.
“Thời gian xả trạm do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC thì sẽ phải có trách nhiệm đền bù cho nhà đầu tư BOT. Nếu lỗi do nhà đầu tư BOT thì doanh thu sẽ không được tính thời gian xả trạm vào phương án tài chính,” ông Toàn thông tin thêm.
Khẳng định cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay của thu phí ETC là Quyết định 19/TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Toàn, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu sửa đổi theo hướng nâng Quyết định lên thành Nghị định, nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ hơn các mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động thu phí ETC đồng thời là cơ sở để xử lý trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị vận hành trạm thu phí, lái xe.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết Nghị định 100/CP mới quy định xử phạt đối với chủ phương tiện không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản đi vào cao tốc. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chưa được đề cập, do đó nội dung này cần phải được bổ sung, công khai, minh bạch.
Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện thu phí ETC trên toàn quốc của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 4/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc khắc phục các tồn tại, bất cập và lỗi thu phí ETC.
Ông Thọ cũng chỉ đạo các đơn vị trên duy trì trạng thái tập trung lực lượng ở cấp độ cao nhất trong vòng một tháng, tinh thần là phục vụ nhân dân là trên hết, cái gì làm được để người ủng hộ chúng ta là phải làm nhằm tạo ra thói quen và để người dân thấy được giá trị lợi ích của ETC.
“Trước mắt giải quyết căn cơ các vấn đề đang tồn tại và kiến nghị Chính phủ ban hành khung khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/QĐ-TTg, để đảm bảo các nguyên tắc vận hành hệ thống thu phí ETC lâu dài và quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan," Thứ trưởng Thọ khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục